CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Y học thưởng thức

Đề phòng tai nạn khi thu hoạch hồi

Cây hồi được trồng ở hầu hết các huyện trong tỉnh Lạng Sơn, tập trung nhiều nhất là huyện Văn Quan, Chi lăng, Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình. Hoa hồi có giá trị kinh tế cao, là một trong những cây mũi nhọn của tỉnh. Tháng 8 là thời điểm thu hoạch hoa (quả) hồi. Cây hồi là cây thân gỗ, mọc thẳng, cao từ 7 đến 15 mét. Cành hồi rất giòn, khi gãy thường rời cành luôn. Nhiều người dân khi hái hồi, thường chủ quan, cố với, hay chèo ra ngoài cành, rất dễ xảy ra tai nạn. Thêm nữa cây hồi được trồng trên sườn đồi, địa hình cao, xung quanh có nhiều gốc cây bị phát vát do quá trình chăm sóc cây hồi để lại, càng gây nguy hiểm hơn khi bị ngã.   Chấn thương cổ, cột sống do bị ngã khi thu hoạch hồi Thực tế, hàng năm, vào vụ thu hoạch hồi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho người bị ngã do thu hái hoa hồi. Năm 2016, trong vụ hồi, có 15 trường hợp bị ngã vào cấp cứu tại Bệnh viện. Trong 3 tháng 6,7,8 năm 2017, khoa Ngoại Chấn thương đã tiếp nhận 30 bệnh nhân bị ngã khi đang thu hoạch hồi. Tổn thương thường là gãy kín cột sống, chấn thương phần mềm… Nhiều trường hợp nặng như chấn thương sọ não, gây biến chứng liệt.   Để bảo đảm an toàn khi thu hoạch hồi, người dân cần đặc biệt lưu ý và cẩn trọng. Khi thu hoạch, cần dùng dây thừng buộc kéo các cành nhỏ ở xa vào cành to hoặc thân cây cho chắc chắn, không nên cố vươn chèo ra các cành nhỏ xa thân cây, hoặc dùng cây tre làm thang buộc chắc chắn vảo thân cây để hái. Người dân nên  dùng dụng cụ thu hái (dùng gậy dài, có móc bằng sắt ở đầu để kéo các cành ở xa  vào phía thân cây) để bảo đảm an toàn khi thu hoạch hồi. Hoàng Tiến Ninh  

Cảnh báo tai nạn do trèo hái hồi

Lạng Sơn là vùng đất nổi tiếng với đặc sản hoa (quả) hồi. Tháng 8 là thời điểm bắt đầu thu hoạch hồi. Phương pháp thu hoạch hồi hoàn toàn thủ công. Người dân trèo trên những cành hồi cao đến 20m – 30m, một tay bám cành, một tay hái những cánh hoa hồi, bỏ vào bao. Điều này tiềm ẩn nguy hiểm do cây hồi rất cao, cành hồi rất giòn, dễ gãy. Người hái có thể rơi từ trên cao xuống đất, gây chấn thương rất nặng. Thêm nữa quanh gốc hồi thường có những gốc cây bị phát vát do quá trình chăm sóc cây hồi để lại, càng gây nguy hiểm hơn khi bị ngã. Thực tế hàng năm vào mùa hồi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận và cấp cứu từ cho khoảng 60 – 70 người bị ngã hồi. Các tổn thương thường là gãy kín cột sống, chấn thương phần mềm…, nhiều trường hợp để lại di chứng liệt. Các chấn thương do trèo hái, thu hoạch hồi Trong ba tháng 6,7,8/2017, Khoa chấn Thương - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 30 trường hợp chấn thương do ngã khi đang thu hoạch hồi, cao điểm có ngày tiếp nhận đến 8 bệnh nhân. Những trường hợp này đều phải điều trị từ 7 đến 10 ngày, một số trường hợp nặng thời gian điều trị kéo dài hơn. Hoa hồi là sản vật có giá trị kinh tế cao nhưng trong quá trình thu hoạch người dân cần hết sức cẩn trọng và lưu ý. Nên sử dụng dụng cụ thu hái quả ở trên cao để tránh phải leo trèo cao ( túi vải gắn ở đầu cây gậy dài, hoặc một số dụng cụ hái khác). Phạm Lan Anh

Tắm nắng đúng cách cho trẻ

Tắm nắng là một hoạt động cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ. Tia hồng ngoại trong ánh nắng mặt trời có tác dụng giảm đau, chữa bệnh về cơ, xương khớp. Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên dồi dào nhất. 80% vitamin D được tổng hợp khi tia cực tím của mặt trời chiếu vào da, giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho từ các nguồn thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, có tác dụng tăng cường sức khỏe xương. Tắm nắng là giải pháp tự nhiên, an toàn và dễ thực hiện nhất để giúp bé tổng hợp vitamin D một cách tự nhiên cho cơ thể. Trẻ sau sinh 1 tuần có thể cho tắm nắng Hầu hết trẻ đều có thể tắm nắng được. Những trẻ sau sinh 1 tuần là có thể cho tắm nắng, những trẻ lớn hơn cũng được khuyến khích tắm nắng để tăng cường khả năng vận động cũng như giúp phòng tránh các bệnh còi xương, chậm lớn,…Tuy nhiên. Dựa vào thời tiết, các mẹ cần tìm hiểu thật kỹ về khung giờ và cách tắm nắng an toàn và hiệu quả nhất. Tắm nắng vào buổi sáng đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ Thời điểm tắm nắng an toàn là 7h - 9h đối với mùa đông, 6h30 - 7h30 sáng đối với mùa hè. Vào thời điểm này, các tia tử ngoại thấp, không gây hại cho sức khỏe mà còn giúp da hấp thụ vitamin D.  Thông thường thời gian tắm nắng tốt nhất cho trẻ là 10 – 15 phút/ngày. Không nên tắm quá lâu sẽ dễ khiến bé khó chịu. Lần đầu tiên tắm nên cho bé tiếp xúc với ánh nắng sớm khoảng 5 phút để bé quen trước, những ngày sau tăng đến 10 – 15 phút. Những lưu ý khi tắm nắng cho trẻ: - Mặc đồ mỏng cho bé, có thể bớt quần áo để da được tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.  - Tuyệt đối không để ánh nắng chiếu vào đầu, vào mặt, mắt trẻ khi tắm nắng. - Tránh tắm nắng cho trẻ nơi gió lộng. - Sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi, cho trẻ bú mẹ hoặc uống một chút nước bổ sung. Phạm Lan Anh    

Tìm hiểu Bệnh Tay Chân Miệng ở trẻ

Bệnh Tay Chân Miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây thành dịch lớn trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm. Bệnh diễn biến nhanh. Một số trường hợp biến chứng nặng có thể gây tử vong. Trong 7 tháng năm 2017, khoa Truyền Nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận điều trị 110 ca mắc Tay Chân Miệng. Mụn nước ở tay, chân, miệng Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (đường miệng)qua và tiếp xúc: -  Nước uống, thức ăn của trẻ bị nhiễm vi rút - Bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ bị nhiễm vi rút - Đồ dùng đặc biệt là đồ chơi và các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày như cốc, chén, thìa, đũa…bị nhiễm vi rút Triệu chứng của bệnh: - Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở miệng, lợi, lưỡi. - Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. - Trẻ sốt, nôn, trường hợp nặng có thể có triệu chứng lơ mơ, li bì hoặc co giật.   Để phòng bệnh Tay Chân Miệng cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý - Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. - Thực hiện vệ sinh ăn uống, đảm bảo ăn chín uống chín. - Không cho trẻ dùng chung khăn, đồ dùng, dụng cụ ăn uống như: cốc, chén, bát đũa, thìa… với những trẻ khác. Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ - Thường xuyên vệ sinh sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các hóa chất tẩy rửa thông thường. - Khi trẻ có biểu: Sốt, quấy khóc, có các nốt phỏng hoặc loét ở tay, chân hoặc miệng, … cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để khám và điều trị kịp thời. - Khi trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với trẻ khác. Phạm Lan Anh

Cảnh báo tình trạng rắn cắn gia tăng tại Lạng Sơn

Thời tiết đã chuyển sang giữa mùa hè kèm theo có nhiều đợt mưa kéo dài ngày. Đây cũng là thời kỳ loài rắn vào mùa sinh sản, nhu cầu hoạt động tìm kiếm kết đôi sinh sản, kiếm mồi rất mạnh. Chúng thường ẩn nấp ở những nơi rậm rạp xung quanh nhà, lối đi lại, nơi để củi, gạch vụn, rơm, rạ. Từ tháng 6/2017 đến nay, Khoa cấp cứu hồi sức - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) đã tiếp nhận 20 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có cả trẻ em và người lớn. Ngày 12/08/2017, một bệnh nhân đã tử vong do bị rắn độc cắn. Tình trạng trên tiếp tục cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác và đề phòng rắn cắn khi đi làm vườn, đi rừng... Khi bị rắn cắn, có thể phân biệt đó là rắn có nọc độc hay rắn thường qua vết răng cắn. Đối với rắn không độc vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau, hoặc để lại răng trên vết cắn. Đối với rắn độc có răng độc (hay răng nanh) khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại hai dấu răng trên vết cắn, hoặc dựa vào các dấu hiệu sau khi bị cắn. Để đề phòng rắn cắn, cần lưu ý: - Khi làm vườn hay đi rừng, nên đi ủng, dày cao cổ, mặc quần áo dài, đội mũ và soi đèn pin ( nếu trời tối). - Khi ngủ cần đóng kín cửa, kể cả cửa sổ. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất. Nên ngủ trên giường, mắc màn để tránh bị rắn tấn công. - Phát quang cây cối, dọn dẹp củi, gạch vụn, rơm… xung quanh nhà ở. - Đối với người bị rắn cắn, cần băng ép vết thương và khẩn trương đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý chích, rạch vết thương hay đắp thuốc nam. Tham khảo bài viết Đề phòng rắn cắn và xử lý ban đầu: http://bvdklangson.com.vn/y-hoc-thuong-thuc/de-phong-ran-can-va-xu-ly-ban-dau.html Hoàng Tiến Ninh                                                                                   

Sốc phản vệ do sử dụng thuốc nhuộm tóc

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh xảy ra rất nhanh khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như thức ăn, sử dụng thuốc, phấn hoa, nọc côn trùng... hay khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp như mỹ phẩm, trong đó có thuốc nhuộm tóc. Ngày 06/08/2017, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Lưu Thị H (54 tuổi). Trước đó, chị H có đi nhuộm tóc. Sau 30 phút, chị xuất hiện tình trạng khó thở, mẩn ngứa toàn thân nên nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ do thuốc nhuộm tóc. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Việc nhuộm tóc đã trở nên rất phổ biến khi nhu cầu làm đẹp của chị em ngày một yêu cầu cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chị em bị dị ứng thuốc nhuộm tóc do cơ địa hay bị dị ứng với các thành phần hóa học hoặc cũng có thể do thuốc nhuộm không đảm bảo chất lượng. Biểu hiện của dị ứng thuốc nhuộm tóc - Ban đầu, xuất hiện cảm giác ngứa, khó chịu, sau đó cảm giác ngứa tăng dần. - Da đầu và các vùng xung quanh bắt đầu ửng đỏ, sưng nề và xuất hiện mụn nước. Nếu các mụn nước này tự vỡ hoặc vỡ do gãi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng. Hậu quả từ việc dị ứng thuốc nhuộm tóc - Tình trạng mẩn ngứa, nổi mụn, phồng rộp, chảy nước, chảy mủ lâu ngày sẽ gây các bệnh lý về tóc và da đầu, gây rụng tóc, viêm da tiếp xúc, lở loét… - Các chất hóa học có trong thuốc nhuộm tóc còn làm gia tăng nguy cơ ung thư. - Trường hợp dị ứng nặng (sốc phản vệ như chị H), nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Lưu ý trong việc sử dụng thuốc nhuộm tóc - Hạn chế việc lạm dụng nhuộm tóc. Nếu có ý định nhuộm tóc, cần lưu ý lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh sử dụng hàng nhái, không đảm bảo. - Trước khi nhuộm nên thoa thử 1 chút thuốc nhuộm lên cánh tay, để khoảng 45 - 60 phút, nếu không có phản ứng thì mới nhuộm lên tóc. - Những người có tiền sử bệnh dị ứng không nên nhuộm tóc.

Cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn liên cầu lợn ở Lạng Sơn

Tại Bệnh viện ĐK tỉnh Lạng Sơn, ngày 25/07/2017, Khoa Truyền nhiễm –  Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân, nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đau họng, lưỡi trắng bẩn, trên da có sẩn đỏ tập trung thành đám, có mụn mủ ngứa. Trước vào viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Ngày 01/8/2017, Khoa Da liễu tiếp nhận 2 bệnh nhân với tình trạng sốt, sưng nề ngón tay. Hai bệnh nhân này là 2 anh em ruột; bị bệnh sau khi cùng mổ và ăn thịt lợn ốm chết; đang nghi ngờ nhiễm khuẩn liên cầu. Bàn tay phù nề Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó chủ yếu có lợn và người.. Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh … Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị. Bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch. Biểu hiện của bệnh Bệnh liên cầu lợn thường có biểu hiện ở 3 thế: - Thể viêm màng não: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, ù tai, cứng cổ. Các biểu hiện thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh viêm màng não mủ. Nếu không điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng di chứng thần kinh. - Thể nhiễm trùng huyết: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, lưỡi bẩn, xuất huyết ban to màu đỏ hoặc màu xám đen. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm vì diễn tiến nhanh, nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong. - Thể kết hợp: cả thể viêm màng não và nhiễm trùng huyết.  Phòng tránh bệnh liên cầu lợn Mang bảo hộ khi tiếp xúc với lợn - Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống. - Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ.  - Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm. Đào Thị Ngọc – Khoa Truyền nhiễm    

Bệnh hẹp bao quy đầu ở trẻ nam

Hẹp bao quy đầu là một bệnh thường gặp ở trẻ nam. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng thường tiếp nhận và và điều trị các trường hợp chít hẹp bao quy đầu. Bao quy đầu là một lớp da mỏng, đàn hồi, bao bọc bên ngoài dương vật. Thông thường khi trẻ nam mới sinh ra sẽ có hiện tượng dính bao quy đầu tự nhiên (bao quy đầu dính với đầu dương vật) nhưng khi trẻ lớn lên khoảng từ 3-5 tuổi thì lớp da bên trong bao quy đầu và đầu dương vật có sự tách rời, giúp cho bao quy đầu dễ dàng tuột xuống để lộ đầu dương vật ra ngoài khi lộn kéo bao quy đầu về phía sau. Tuy nhiên, nếu sau 5 tuổi mà bao quy đầu của trẻ vẫn không kéo xuống để lộ qui đầu được là bị hẹp bao quy đầu. Hẹp bao quy đầu gây ra rất nhiều phiền toái. Từ việc khó vệ sinh, dương vật phát triển không bình thường; đến việc yếu sinh lý, xuất tinh sớm và là nguyên nhân gây nhiều bệnh viêm nhiễm khác, đặc biệt có thể gây ra vô sinh ở nam giới hoặc ung thư dương vật. Vì vậy hẹp bao quy đầu nên chữa trị càng sớm càng tốt. Cách nhận biết bệnh hẹp bao quy đầu Bao quy đầu dính liền hoặc bị chít hẹp ở đầu dương vật. Không thể hoặc khó khăn khi kéo lên tụt xuống theo chiều dài dương vật. Một số trẻ miệng bao qui đầu chỉ là một lỗ nhỏ như đầu tăm. Khi trẻ bị hẹp bao quy đầu có dấu hiệu đi tiểu khó, tiểu đau và phải rặn mạnh, tia nước tiểu nhỏ. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm nhiễm dương vật hoặc viêm đường tiết niệu do nước tiểu không ra hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to. Đầu dương vật sưng đau, nề đỏ. Hẹp toàn bộ và Bán hẹp bao quy đầu Phương pháp điều trị - Điều trị bảo tồn: Phần lớn các trường hợp phát hiện sớm bao quy đầu bị hẹp có thể được nong rộng trong vòng 1-2 tháng thông qua các bài tập theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Phương pháp này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương cấu trúc của da quy đầu. Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tốt giữa cha mẹ và trẻ, và đặc biệt là tuân thủ kỹ thuật, tránh gây biến chứng tạo sẹo sau này. - Trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, bác sĩ có thể tiến hành tiểu phẫu nong bao quy đầu hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu. Phòng tránh chít hẹp bao quy đầu cho trẻ - Đưa trẻ đi khám ngày khi phát hiện hẹp. - Tuyệt đối không được tự ý nong bao quy đầu hoặc bôi thuốc trị hẹp bao quy đầu cho trẻ khi chưa có chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa, việc này có thể làm cho bao quy đầu của trẻ bị rách, bị tổn thương, đau đớn, dị ứng, viêm nhiễm, nhiễm trùng và dính, hẹp hơn. Các trường hợp hẹp hoàn toàn để lâu có nguy cơ dẫn tới ung thư dương vật. Đa phần nam giới hẹp hoàn toàn trên 30 tuổi trở lên đều đã bị xơ nên khó bóc tách hết. Nhiều nam giới còn e ngại hoặc có nhiều người lại không biết là mình bị hẹp. Vì vậy cần giáo dục sức khỏe giới tính cho đối tượng nam giới, nhất là trẻ vị thành niên để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Phạm Lan Anh - Phòng CTXH                                                                         

Trang