CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Y học thưởng thức

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI MANG ĐA THAI TỰ NHIÊN

Chị Vi Thị M 30 tuổi, địa chỉ Quan Sơn, Chi Lăng, Lạng Sơn, đang nằm chờ đẻ tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Chị M mang thai lần 2, hoàn toàn tự nhiên. Trước đó chị đã có một lần sinh mổ, con khoẻ mạnh. Thời kỳ đầu mang thai chị cũng thấy như lần đầu. Đến khi thai được 3 tháng đi siêu âm chị mới biết mình có 3 thai. Do mang thai 3, lại đã mổ đẻ, chị đi khám thai thường xuyên, rất may là các thai phát triển khá đồng đều. Đến tuần thai thứ 30 chị được khuyên nằm viện chờ đẻ. Bình thường  thụ thai tự nhiên tỷ lệ sinh 3, sinh 4 rất thấp. Sinh 3 tự nhiên chỉ gặp với tỷ lệ 1/8.000 ca. Việc sinh đa thai dễ khiến thai phụ và bé gặp nhiều nguy hiểm. Điều bất lợi khi mang đa thai: - thứ nhất là tử cung mẹ không thể giãn nở tốt bằng mang thai đơn, nên dễ sảy thai hoặc đẻ non, thai chậm phát triển trong tử cung. Càng nhiều thai thì khả năng sinh non càng cao. -thứ hai, do phải cung cấp dinh dưỡng cho cùng lúc nhiều thai nên bà mẹ rất dễ bị suy dinh dưỡng trong quá trình mang thai và sau sinh. Bà mẹ cũng gặp nhiều khó khăn về vật chất và con người trong chăm sóc và nuôi dạy các bé. - Nguy hiểm nữa đó là biến chứng tiền sản giật, rau tiền đạo trong đa thai dễ xảy ra hơn;có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé. Mang đa thai, khi sinh sản phụ dễ bị băng huyết, có thể phải truyền máu hoặc cắt dạ con, gây nên nhiều bệnh lý khác về sau. - Các bé trong đa thai thường sinh non. Càng nhiều thai, tỷ lệ và tuổi thai đẻ non càng tăng. Hầu hết các bé sinh non đều bị bệnh đường hô hấp do phổi chưa hoàn thiện; khả năng hấp thu dinh dưỡng của các bé thường kém do hệ tiêu hoá non yếu. Ngoài ra bé sinh non còn hay mắc bệnh lý vàng da, võng mạc, thính giác. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, phụ nữ mang đa thai nên thường xuyên đi khám, tốt nhất mỗi hai tuần một lần hoặc bất kỳ khi nào có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết. Mỗi lần khám cần được siêu âm để đánh giá chính xác tình trạng thai. Bên cạnh đó, cần theo dõi cân nặng, huyết áp, làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sàng lọc đái tháo đường thai kỳ. Đặc biệt là vào viện theo dõi ngay khi có chỉ định của bác sĩ. Như Thùy Vân

NHỮNG SAI LẦM KHI SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH

Kháng sinh là con dao hai lưỡi, chúng diệt vi khuẩn gây bệnh, nhưng cũng diệt cả vi khuẩn có lợi của cơ thể. Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây tác dụng phụ hay nhờn thuốc, không phải bất cứ khi nào ốm dùng thuốc kháng sinh cũng khỏi bệnh. Tự ý dùng thuốc kháng sinh Chỉ khi có bệnh con người mới cần dùng thuốc, do vậy phải kiểm tra tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, có cần sử dụng thuốc kháng sinh hay không. Nếu là các bệnh do virus thì có uống bao nhiêu thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng. Kháng sinh là con dao hai lưỡi, chúng diệt vi khuấn gây bệnh, nhưng cũng diệt cả vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Khi cơ thể không cần mà uống vào thì gan, thận phải làm việc nhiều để thải độc, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Nếu bệnh không khỏi, người mệt mỏi, ăn uống kém và kèm theo rất nhiều tác dụng phụ khác do kháng sinh gây nên. Thuốc kháng sinh như con dao hai lưỡi, khi sử dụng nên có chỉ dẫn có thầy thuốc Sử dụng kháng sinh liều cao, nhiều loại cho nhanh khỏi Việc không tuân thủ sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ khiến bệnh không hết hẳn, dễ tái phát khiến người bệnh đáp ứng với điều trị kém hơn, tăng thể bệnh nặng và dễ có biến chứng. Từ đó, chi phí bỏ ra tốn kém hơn do phải điều trị, nhập viện và phải đổi sang kháng sinh khác thường đắt tiền hơn. Do suy nghĩ muốn bệnh khỏi nhanh mà dùng kháng sinh liều cao, phối hợp nhiều loại với nhau dễ khiến bệnh nhân gặp các tác dụng phụ như: dị ứng, nhẹ thì ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, nặng có thể dẫn đến tử vong do sốc phản vệ. Thấy đỡ bệnh là thôi không dùng Khi sử dụng kháng sinh là phải đúng liều, đúng phác đồ. Có loại chỉ dùng một liều duy nhất, 5 đến 7 ngày, còn như phác đồ điều trị lao thì phải kéo dài 6 tháng. Vì vậy cần phải uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng kháng sinh đúng, đủ liều Khi chưa dùng hết liều kháng sinh nhưng người bệnh thấy sức khỏe tốt hơn, triệu chứng bệnh giảm nên nghĩ đã khỏi nên liền bỏ thuốc. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể chỉ mới bị tiêu diệt một phần, yếu đi chứ chưa hoàn toàn bị loại trừ. Do đó, nếu không dùng đủ thuốc rất có thể chúng sẽ phục hồi, tiếp tục gây bệnh và làm nhờn thuốc. Dùng lại kháng sinh thừa từ các đợt kê toa trước Bệnh nhân thấy dùng thuốc kháng sinh hiệu quả từ đợt kê toa trước nên khi có những triệu chứng bệnh gần giống liền đem số thuốc còn thừa ra sử dụng. Nguyên tắc là thuốc thừa nên loại bỏ, không giữ lại sử dụng cho lần sau. Kê toa hoặc uống thuốc của người khác Khi bị bệnh, nhiều người uống thuốc theo kinh nghiệm hoặc đọc trên mạng thấy những triệu chứng tương tự thì mua thuốc kháng sinh không theo chỉ dẫn. Uống kháng sinh không đúng có thể gây biến chứng, nặng thêm tình trạng bệnh và làm khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở, khiến tình trạng kháng thuốc thêm trầm trọng. Dùng thuốc kháng sinh hợp lý để điều trị dứt điểm bệnh và không gây nhờn thuốc Không đỡ thì đổi thuốc Kháng sinh cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng khi người bệnh uống, chứ không thể vừa uống, bệnh đã khỏi. Nhiều người uống thuốc mới được một, hai bữa, thấy bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm đã yêu cầu bác sĩ đổi thuốc ngay. Điều này là không nên, vì sẽ gây nhờn thuốc. Nếu thuốc không có tác dụng thì cần xem xét đến các khía cạnh như: đã tuân thủ đúng liều chưa, việc chẩn đoán, kê đơn đã đúng bệnh chưa, khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể... Sử dụng kháng sinh hợp lý là yếu tố để loại trừ nguy cơ kháng thuốc và thất bại trong điều trị. Kết quả đó chỉ có được khi kháng sinh được sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc.

TĂNG HUYẾT ÁP VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP

  Tăng huyết áp (THA) là một bệnh ngày càng phổ biến. Bệnh thường diễn biến âm thầm nên nhiều người khi có những biến chứng bất ngờ, phải nhập viện mới biết mình đã bị tăng huyết áp từ lâu. Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Bình thường số đo HA tâm thu dao động từ 90 - 139 mmHg và HA tâm trương từ 60 - 85 mmHg. Tăng huyết áp là một bệnh lý trong đó trị số HA lúc nghỉ cao hơn mức bình thường: HA tâm thu ≥ 140 mmHg, THA tâm trương ≥ 90 mmHg, hoặc tăng cả hai. Tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh thường gặp. Nếu không được điều trị đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề... thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng sẽ để lại những hậu quả nặng nề Các biến chứng của THA - Các biến chứng tim mạch     +  Cao huyết áp lâu ngày làm hỏng lớp nội mạc, gây xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch vành gây đau ngực do thiếu máu cơ tim, nặng có thể gây nhồi máu cơ tim.     +  THA làm cơ tim phì đại (cơ tim dầy lên).     +  THA có thể dẫn đến suy tim. - Các biến chứng về não    +  Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ. Khi đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong (triệu chứng và hậu quả của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết).    +  Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự hỏng mạch vành). Nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây hủy hoại 1 vùng não (còn gọi là nhũn não).    +  Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh. Tăng huyết áp để lại nhiều biến chứng nguy hiểm - Các biến chứng về thận     +  THA làm hư màng lọc của các tế bào thận, khiến bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có); lâu ngày gây suy thận.     +  THA còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất Renin làm huyết áp cao hơn. Hẹp động mạch thận lâu ngày gây suy thận. - Các biến chứng về mắt     +  THA làm hỏng mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại.     +  THA còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. - Các biến chứng về mạch ngoại vi     +  THA làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người.    +  THA làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ (đau cách hồi). Đại đa số các bệnh nhân bị cao huyết áp thường không có các dấu hiệu nào báo trước. Do đó, phải kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị cao huyết áp…) là hết sức cần thiết và quan trọng. Đề phòng tăng huyết áp và biến chứng - Biện pháp không dùng thuốc: áp dụng khi huyết áp tăng trên 120/80 mmHg nhưng dưới 160/90 mmHg.    +  Cai thuốc lá.    +  Cai bia rượu đối với người nghiện nặng, có thể uống dưới 30ml rượu mạnh, dưới 720 ml bia trong một ngày.    +  Giảm ăn mặn, ăn ít hơn 4g muối mỗi ngày, ít hơn 1 muỗng cà phê muối, hoặc ít hơn 2 muỗng canh nước mắm hoặc nước tương.    +  Chế độ ăn nhiều rau, ít trái cây, ít béo.    +  Tập thể dục ít nhất 30-45 phút mỗi ngày và tập đều đặn 7 ngày một tuần.    +  Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì. Có lối sống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để đề phòng tăng huyết áp - Dùng thuốc hạ huyết áp Trong trường hợp sử dụng biện pháp không dùng thuốc mà vẫn chưa đạt được huyết áp mong muốn thì cần phối hợp thêm thuốc hạ huyết áp. Cần có ý kiến và chỉ định của thầy thuốc, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc sao chép đơn thuốc của người khác để tự điều trị. - Điều trị đái tháo đường Người bị tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch rất cao. Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 giúp giảm 24% nguy cơ biến chứng tim mạch. Mục tiêu HbA1C cần đạt ở người có nguy cơ tim mạch cao, đã từng bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não là dưới 7%. - Rối loạn lipide máu Người bị tăng huyết áp có kèm rối loạn chuyển hóa lipid nếu không được điều trị tốt cả 2 bệnh này thì nguy cơ biến chứng tim mạch tăng rất cao. Ngược lại, nếu điều trị bệnh tốt thì cứ giảm được 10% trị số huyết áp và 10% cholesterole toàn phần sẽ giúp giảm tới 45% nguy cơ bị tử vong do biến chứng tim mạch. Cần lưu ý, sau một thời gian điều trị huyết áp đã ổn định, đạt huyết áp mục tiêu thì không nên tự ý dừng thuốc mà duy trì điều trị theo liều lượng được điều chỉnh bởi thầy thuốc. Chỉ ngừng thuốc khi có ý kiến chỉ định của thầy thuốc.    

LƯU Ý VỚI CHẤN THƯƠNG MẮT Ở TRẺ

Chấn thương mắt ở trẻ thường gặp: rách giác mạc, rách kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù lòa... trường hợp gây nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong. Ngày 12/11/2017, Khoa Mắt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhi Nông Thị Bảo A (11 tháng tuổi, địa chỉ xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng) nhập viện trong tình trạng mắt phải sưng nề, đỏ; được chẩn đoán xước giác mạc mắt phải. Sáng cùng ngày, bé chơi đùa tự ngã vào thanh sắt khiến mắt phải sưng đau. Trẻ được gia đình đưa cháu đến trạm y tế xã sơ cứu ban đầu rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Cháu Bảo A đang chơi đùa một mình thì tự ngã vào thanh sắt Chấn thương mắt ở trẻ chơi rất dễ xảy ra trong sinh hoạt, cần được xử lý nghiêm ngặt vì vết thương hở từ các vật đâm xuyên mắt có thể nhanh chóng dẫn tới nhiễm trùng đe dọa thị lực, thậm chí tính mạng. Sơ cứu đúng cách và kịp thời giúp gia tăng cơ hội bảo tồn thị lực cho trẻ. Dấu hiệu nhận biết Khi trẻ bị các dị vật nhỏ hay các loại dịch rơi vào mắt khiến bé cảm thấy khó chịu hoặc đau nhức, mắt sẽ bị đỏ hoặc trẻ nhắm nghiền mắt; nhưng không phải bất cứ khi nào trẻ cũng có thể nói cho biết về vấn đề ở mắt. Nếu có những biểu hiện sau, hãy nghĩ ngay tới trẻ bị chấn thương ở mắt: - Trẻ kêu đau nhức bên trong hoặc xung quanh mắt. - Nước mắt chảy giàn giụa. - Khó cử động mắt. - Dùng tay che một bên hoặc hai bên mắt. - Một mắt trông khác với mắt bên kia. - Thị lực đột nhiên giảm. - Rách da ở mi mắt hoặc xung quanh mắt. - Có máu bên trong mắt. - Xuất hiện vết bầm dập trên mắt hoặc quanh mắt. - Không chịu được ánh sáng chói. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có nghi ngờ bị chấn thương mắt Nghi ngờ trẻ bị chấn thương mắt, cha mẹ phải đưa con đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất, kể cả tổn thương có vẻ không nghiêm trọng. Một số chấn thương mắt mức độ nặng có thể không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu. Việc xử lý chậm có thể khiến tổn thương trở nên nặng hơn, gây mất thị lực vĩnh viễn. Cách xử trí khi trẻ bị chấn thương mắt Các chấn thương nhỏ và nông thường không cần điều trị, vết thương sẽ lành sau 48 giờ. Chỉ cần không để trẻ sờ mó hoặc dụi mắt và không băng ép mắt vì có thể khiến tổn thương trở nên nặng hơn. Nếu sau 48 giờ tình hình không tốt lên thì cần đi khám bác sĩ.       -   Trường hợp có vết đâm xuyên, không được cố lấy vật nhọn ra.      -   Không bôi bất kì thuốc nào vào mắt. Những thuốc này có thể không phù hợp, khiến mắt trở nên trơn nhầy, gây khó khăn cho việc thăm khám của bác sĩ.      -   Khi trẻ bị đau mắt dữ dội, dai dẳng, thị lực giảm, chảy máu bên trong mắt, đau mắt khi ra ngoài ánh sáng, vết rách sâu quanh mắt,… cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám ngay để có phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp, tránh để lại những hậu quả xấu cho trẻ. Phòng ngừa chấn thương mắt cho trẻ     -   Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tránh các đồ chơi có góc nhọn như cung tên, phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả…     -   Kiểm soát trẻ khi chơi các trò chơi hay đồ chơi có thể gây nguy hiểm.     -   Hướng dẫn trẻ cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo…     -   Che chắn an toàn các góc nhọn của đồ dùng: bàn, tủ,...     -   Khóa chặt mọi ngăn kéo và cửa tủ mà trong tầm với của trẻ.     -   Để các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình ngoài tầm với của trẻ.  

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LỒNG RUỘT CẤP Ở TRẺ

Lồng ruột là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Trường hợp phát hiện muộn sẽ rất khó điều trị và để lại hậu quả nặng nề, thậm chí có thể tử vong. Lồng ruột là tình trạng một khúc ruột chui vào lòng của một khúc ruột khác và gây tắc nghẽn lòng ruột; ngăn cản thức ăn và dịch ruột di chuyển xuống phía dưới. Khối lồng hình thành làm thành ruột trong khối lồng ép chặt vào nhau làm giảm hoặc mất nguồn cung cấp máu tới đoạn ruột bị lồng gây phù nề, hoặc hoại tử. Hậu quả hoại tử và thủng. Toàn thân thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc, mất nước và điện giải do tổn thương tại khối lồng và tình trnajg rối loạn hoạt động ruột gây nôn rất nhiều. Nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.  Lồng ruột gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là độ 5 – 10 tháng tuổi. Lồng ruột cấp ở trẻ nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề Trong 9 tháng năm 2017, khoa Ngoại Tổng Hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 70 trẻ bị lồng ruột cấp. Một số trường hợp không được đưa đến sớm do trước đó tự điều trị ở nhà ( xoa dầu vào bụng, cho uống thuốc chống nôn,…) làm bệnh nặng hơn, gây nguy hiểm cho trẻ.  Triệu chứng gợi ý trẻ bị lồng ruột Khi thấy trẻ có một số triệu chứng sau thì nên nghi ngờ bị lồng ruột: - Đau bụng: là biểu hiện nổi bật nhất, cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội. Trẻ ưỡn người, giãy giụa; khóc thét từng cơn theo mỗi đợt đau, mỗi cơn đau kéo dài 5-15 phút. Cơn đau xuất hiện, mất đi cũng đột ngột Sau cơn đau trẻ có thể lại bú hoặc chơi nhưng rồi lại tái diễn. - Bỏ vú đối với trẻ bú mẹ: trẻ đang bú hoặc bú lại sau cơn đau bung đột nhiên nhả vú mẹ và khóc thét do có tiếp cơn đau bụng. - Nôn ra thức ăn: Xuất hiện từ cơn đau đầu tiên ở hầu hết trẻ nhỏ, nôn ra dịch xanh hoặc màu vàng (nếu ở giai đoạn muộn). - Phân có máu: Sau 6 – 8 tiếng kể từ cơn đau đầu tiên, có thể xuất hiện đại tiện ra máu tươi và chất nhầy. Dấu hiệu này dễ bị nhầm với bệnh lị. - Đại đa số các trường hợp lồng ruột có bí trung đại tiện (vì khối lồng gây tắc hoàn toàn). Tuy nhiên đôi khi ruột không tắc hoàn toàn bệnh nhân vẫn tiếp tục đại tiện được. Can thiệp tháo lồng ruột cho bệnh nhân - Khi bệnh tiến triển trẻ mệt lả, ít hoạt động, có thể xuất hiện sốt. Một số trường hợp nặng có thể rơi vào tình trạng sốc. Xử trí khi nghi trẻ bị lồng ruột: Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để xác định chẩn đoán. Khi xác định trẻ bị lồng ruột, biện pháp chủ yếu là bơm tháo khối lồng mà không cần phải phẫu thuật. Sau đó trẻ cần theo dõi 1-2 ngày là có thể ra viện. Chỉ một số trường hợp do đến muộn hoặc bơm tháo không thành công mới cần phẫu thuật. Một số trường hợp đến muộn phải cắt đoạn ruột (nhiều hay ít tùy thuộc mức độ hoại tử ruột do bị lồng lâu và nặng. Tình trạng này khiến trẻ có thể gặp nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài về tiêu hóa. Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám khi có các dấu hiệu bất thường, nhất là dấu hiệu giợi ý bị lồng ruột đã nêu ở trên để tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra hoặc phát hiện các bệnh khác.           Phạm Lan Anh  

LẠI CỨU SỐNG SẢN PHỤ MẮC HỘI CHỨNG HELLP

Sản phụ mắc hội chứng HELLP được mổ cấp cứu kịp thời đã sinh bé trai khỏe mạnh nặng 2600g và hồi phục tốt sau mổ.   Ngày 26/10/2017, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận sản phụ Hoàng Thị M (18 tuổi, địa chỉ Khuổi Mê, Yên Lỗ, Bình Gia) mang thai lần đầu, thai được 37 tuần. Bệnh nhân xuất hiện đau đầu, nhìn mờ kèm theo đau bụng, vào Trung tâm y tế huyện Văn Quan xét nghiệm thấy men gan tăng cao, được chuyển tới (BVĐK). Ngay khi tiếp nhận các bác sĩ đã xác định đây là một ca bệnh nặng: dấu hiệu tổn thương thần kinh trung ương đã rõ nét, thị lực của bệnh nhân chỉ còn đếm ngón tay, xét nghiệm tiểu cầu giảm nặng, chỉ còn 43G/l; bệnh nhân đã chuyển dạ vào giai đoạn tích cực, nếu chuyển tuyến trên khả năng đẻ trên đường đi và mất máu không cầm được sẽ rất nguy hiểm. Để cứu sống thai phụ , các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai, song song với huy động khối tiểu cầu từ trung ương. Sản phụ Hoàng Thị M mắc hội chứng HELLP được mổ cấp cứu kịp thời  Ca mổ diễn ra nhanh chóng với các biện pháp cầm máu được sử dụng. Bé trai nặng 2600g ra đời khoẻ mạnh, sản phụ cũng nhanh chóng hồi phục sức khoẻ. Chỉ 4 giờ sau mổ, thị lực của bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, các chỉ số sinh tồn duy trì ổn định. Năm 2016, BVĐK đã cứu sống sản phụ Hoàng Thị T (26 tuổi, địa chỉ: Bình Gia, Lạng Sơn) mang thai 35 tuần mắc hội chứng HELLP nhập viện trong tình trạng đe dọa tử vong. Các thầy thuốc đã quyết định phẫu thuật cắt mổ tử cung để tránh tử vong trước mắt rồi chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị rối loạn đông máu. Khi tình trạng rối loạn đông máu tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển về BVĐK điều trị, bệnh nhân chảy máu tái phát sau mổ cắt tử cung ngày thứ 14, suy thận cấp nặng. Sau hơn 28 ngày tích cực chạy chữa, sức khỏe bệnh nhân dần tốt hơn, chức năng thận dần hồi phục, không còn phải chạy thận. Hội chứng HELLP là một thể lâm sàng đặc biệt của bệnh tiền sản giật, là nguyên nhân quan trọng gây tử vong mẹ và con trong sản khoa. Hội chứng HELLP có 3 triệu chứng đặc trưng: H: Hemolysis – Tan máu EL: Elevated Liver enzymes – tăng men gan LP: Low Platelets – giảm tiểu cầu Sản phụ M và con trai ra đời khỏe mạnh Mức độ nặng của bệnh tuỳ thuộc vào số lượng tiểu cầu: Tiểu cầu < 50 G/l là rất nặng. Biến chứng của hội chứng HELLP thường gặp là đông máu nội quản rải rác (DIC) gây chảy máu khó cầm, rau bong non gây chết thai, suy thận, phù phổi cấp hoặc tụ máu dưới bao gan. Tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 10%, tử vong con 10-60% tuỳ tình trạng bệnh. Do có nguy cơ gây tử vong cả mẹ và thai nên hội chứng HELLP thực sự là một cấp cứu cần được chẩn đoán và xử trí cấp cứu tại các đơn vị sản khoa và hồi sức cấp cứu. Như Thùy Vân Cứu sống sản phụ mắc hội chứng HELLP năm 2016: http://bvdklangson.com.vn/tin-nghien-cuu-khoa-hoc/mang-lai-niem-hanh-phuc-cho-mot-gia-dinh.html

THÊM NHIỀU TRƯỜNG HỢP MẮC SỐT XUẤT HUYẾT TẠI LẠNG SƠN

Từ đầu tháng 10/2017, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) đã tiếp nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 6 người thuộc phường Hoàng Văn Thụ (Tp Lạng Sơn) và rải rác tại các huyện. Thời tiết mùa thu ngoài trời se lạnh, muỗi chứa virus gây sốt xuất huyết thường bay vào nhà, nơi có nhiệt độ cao hơn, người dân chủ quan không phòng tránh muỗi sẽ dễ có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm BVĐK.  BVĐK đã thông báo tới Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về tình trạng nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại khối 9 (phường Hoàng Văn Thụ) và nguy cơ bùng phát nhiều ổ dịch tại Tp Lạng Sơn. Đồng thời, tiếp tục điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết để không xảy ra biến chứng đáng tiếc. Bệnh viện khuyến cáo, nếu có các biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40oC kèm run lạnh, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, hoặc có những nốt phát ban, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.    

ĐỀ PHÒNG BỎNG MẮT KHI LAO ĐỘNG

Bỏng mắt khi lao động là một tai nạn nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể khiến thị lực suy giảm hoặc mù lòa. Ngày 18/10/2017, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân Hà Văn T (27 tuổi, trú tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định) nhập viện được chẩn đoán “bỏng kết giác mạc”. Anh T khi đang đúc chì câu cá thì bị chì nóng chảy bắn vào mắt trái gây bỏng. Người nhà đã đưa anh đến trạm y tế xã rửa vết thương rồi chuyển tới BVĐK. Hậu quả bị bỏng kết giác mạc, kết mạc cương tụ, giác mác trợt biểu mô rộng vùng trung tâm. Bệnh nhân Hà Văn T bị chì bắn vào do bỏng mắt. Ảnh: Tố Quỳnh Tai nạn bỏng mắt khi lao động thường gặp do dị vật rơi vào, hóa chất bắn vào mắt,  Đây là tình trạng cấp cứu nhãn khoa hay gặp, nhẹ thì gây đau nhức khó chịu, trường hợp nặng có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng thậm chí mù lòa vĩnh viễn cho nạn nhân. Việc cấp cứu ban đầu ngay khi bị tai nạn là rất quan trọng đối với tiên lượng điều trị bệnh sau này. Tuỳ nguyên nhân mà có cách xử trí ban đầu khác nhau: Nếu do tác nhân nhiệt thì ngay lập tức hạ nhiệt vùng mắt bằng nước mát, nước lạnh là rất tốt (sử dụng nước đá gói vào miếng vải sạch hoặc khăn ướt rồi áp lên mắt vài phút), thời gian dùng biện pháp này sau tai nạn là trong 20 phút đầu, sau thời gian này việc áp mát không còn tác dụng nữa. Cần tránh quan niệm cho rằng nước mát sẽ gây nốt phỏng hoặc gây nhiễm trùng. Nếu bỏng mắt do hoá chất (axit, kiềm và các hóa chất khác) thì việc đầu tiên rất quan trọng  là loại trừ các tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt (túi kết mạc, bề mặt nhãn cầu và mi mắt). Cách tốt nhất cũng vẫn là dùng thật nhiều nước để dội rửa mắt. Có thể vận dụng nhiều cách như: Nằm ngửa dưới vòi nước chảy, dùng gáo dội, rót thành dòng vào mắt, ngâm mặt vào nước… Cố gắng mở mắt khi rửa, chớp mắt thật nhiều (có thể người bệnh chủ động hoặc người khác giúp căng vành mi mắt) để nước lưu thông nhiều vào các túi cùng kết mạc mắt. Rửa mắt ngay tại nơi xảy ra tai nạn để loại bỏ các tác nhân gây bỏng Bỏng mắt do bức xạ (tia hàn,…) phát sinh do việc sử dụng kính bảo vệ, găng, màn che… không đúng quy cách. Nên dùng nước đá hoặc khăn lạnh chườm lên hai mắt cho đỡ nóng rát. Rửa mắt ngay tại nơi xảy ra tai nạn là một biện pháp rất đơn giản nhưng cực kỳ có giá trị, các tác nhân gây bỏng sẽ không còn trên bề mặt tổ chức mắt để có thể tiếp tục thâm nhập vào sâu hơn. Sau khi cấp cứu ban đầu xong thì chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa phù hợp yêu cầu chuyên môn. Đề phòng hóa chất bắn vào mắt khi lao động, cần chú ý: - Tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy tắc an toàn lao động. - Đeo kính bảo hộ lao động khi làm việc với hóa chất, các yếu tố có thể gây tổn thương mắt như nhiệt độ, tia lửa hàn, tia cực tím, tia laze... tại nơi làm việc và kể cả khi ở nhà. - Để các hóa chất độc hại tránh xa tầm tay trẻ em, ghi nhãn dán đầy đủ. - Không để lẫn lộn thuốc nhỏ mắt và các loại thuốc nước khác, phải ghi nhãn các loại thuốc cẩn thận. - Đeo kính khi đi ngoài đường, nơi có nhiều gió bụi. Hoàng Sơn - Khoa Mắt      

Trang