CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn liên cầu lợn ở Lạng Sơn

Ngày 03 / 08 / 2017
|
Y học thường thức

Tại Bệnh viện ĐK tỉnh Lạng Sơn, ngày 25/07/2017, Khoa Truyền nhiễm –  Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân, nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đau họng, lưỡi trắng bẩn, trên da có sẩn đỏ tập trung thành đám, có mụn mủ ngứa. Trước vào viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Ngày 01/8/2017, Khoa Da liễu tiếp nhận 2 bệnh nhân với tình trạng sốt, sưng nề ngón tay. Hai bệnh nhân này là 2 anh em ruột; bị bệnh sau khi cùng mổ và ăn thịt lợn ốm chết; đang nghi ngờ nhiễm khuẩn liên cầu.

Bàn tay phù nề

Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó chủ yếu có lợn và người.. Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh … Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị. Bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh liên cầu lợn thường có biểu hiện ở 3 thế:

- Thể viêm màng não: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, ù tai, cứng cổ. Các biểu hiện thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh viêm màng não mủ. Nếu không điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng di chứng thần kinh.

- Thể nhiễm trùng huyết: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, lưỡi bẩn, xuất huyết ban to màu đỏ hoặc màu xám đen. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm vì diễn tiến nhanh, nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.

- Thể kết hợp: cả thể viêm màng não và nhiễm trùng huyết. 

Phòng tránh bệnh liên cầu lợn

Mang bảo hộ khi tiếp xúc với lợn

- Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống.

- Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ. 

- Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Đào Thị Ngọc – Khoa Truyền nhiễm

 

 

Ý kiến bạn đọc