CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Y học thưởng thức

ĐỀ PHÒNG BỎNG MẮT KHI LAO ĐỘNG

Bỏng mắt khi lao động là một tai nạn nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể khiến thị lực suy giảm hoặc mù lòa. Ngày 18/10/2017, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân Hà Văn T (27 tuổi, trú tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định) nhập viện được chẩn đoán “bỏng kết giác mạc”. Anh T khi đang đúc chì câu cá thì bị chì nóng chảy bắn vào mắt trái gây bỏng. Người nhà đã đưa anh đến trạm y tế xã rửa vết thương rồi chuyển tới BVĐK. Hậu quả bị bỏng kết giác mạc, kết mạc cương tụ, giác mác trợt biểu mô rộng vùng trung tâm. Bệnh nhân Hà Văn T bị chì bắn vào do bỏng mắt. Ảnh: Tố Quỳnh Tai nạn bỏng mắt khi lao động thường gặp do dị vật rơi vào, hóa chất bắn vào mắt,  Đây là tình trạng cấp cứu nhãn khoa hay gặp, nhẹ thì gây đau nhức khó chịu, trường hợp nặng có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng thậm chí mù lòa vĩnh viễn cho nạn nhân. Việc cấp cứu ban đầu ngay khi bị tai nạn là rất quan trọng đối với tiên lượng điều trị bệnh sau này. Tuỳ nguyên nhân mà có cách xử trí ban đầu khác nhau: Nếu do tác nhân nhiệt thì ngay lập tức hạ nhiệt vùng mắt bằng nước mát, nước lạnh là rất tốt (sử dụng nước đá gói vào miếng vải sạch hoặc khăn ướt rồi áp lên mắt vài phút), thời gian dùng biện pháp này sau tai nạn là trong 20 phút đầu, sau thời gian này việc áp mát không còn tác dụng nữa. Cần tránh quan niệm cho rằng nước mát sẽ gây nốt phỏng hoặc gây nhiễm trùng. Nếu bỏng mắt do hoá chất (axit, kiềm và các hóa chất khác) thì việc đầu tiên rất quan trọng  là loại trừ các tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt (túi kết mạc, bề mặt nhãn cầu và mi mắt). Cách tốt nhất cũng vẫn là dùng thật nhiều nước để dội rửa mắt. Có thể vận dụng nhiều cách như: Nằm ngửa dưới vòi nước chảy, dùng gáo dội, rót thành dòng vào mắt, ngâm mặt vào nước… Cố gắng mở mắt khi rửa, chớp mắt thật nhiều (có thể người bệnh chủ động hoặc người khác giúp căng vành mi mắt) để nước lưu thông nhiều vào các túi cùng kết mạc mắt. Rửa mắt ngay tại nơi xảy ra tai nạn để loại bỏ các tác nhân gây bỏng Bỏng mắt do bức xạ (tia hàn,…) phát sinh do việc sử dụng kính bảo vệ, găng, màn che… không đúng quy cách. Nên dùng nước đá hoặc khăn lạnh chườm lên hai mắt cho đỡ nóng rát. Rửa mắt ngay tại nơi xảy ra tai nạn là một biện pháp rất đơn giản nhưng cực kỳ có giá trị, các tác nhân gây bỏng sẽ không còn trên bề mặt tổ chức mắt để có thể tiếp tục thâm nhập vào sâu hơn. Sau khi cấp cứu ban đầu xong thì chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa phù hợp yêu cầu chuyên môn. Đề phòng hóa chất bắn vào mắt khi lao động, cần chú ý: - Tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy tắc an toàn lao động. - Đeo kính bảo hộ lao động khi làm việc với hóa chất, các yếu tố có thể gây tổn thương mắt như nhiệt độ, tia lửa hàn, tia cực tím, tia laze... tại nơi làm việc và kể cả khi ở nhà. - Để các hóa chất độc hại tránh xa tầm tay trẻ em, ghi nhãn dán đầy đủ. - Không để lẫn lộn thuốc nhỏ mắt và các loại thuốc nước khác, phải ghi nhãn các loại thuốc cẩn thận. - Đeo kính khi đi ngoài đường, nơi có nhiều gió bụi. Hoàng Sơn - Khoa Mắt      

HẬU QUẢ CỦA VIỆC NẠO PHÁ THAI

Nạo phá thai là biện pháp can thiệp để loại bỏ thai. Nếu thực hiện không an toàn sẽ rất dễ xảy ra những biến chứng nặng nề, nguy hiểm.  Nạo phá thai là một thủ thuật khá đơn giản trong sản khoa nhưng hệ lụy của nó với người nạo phá thai và xã hội rất lớn, chiếm tới 5% số ca tử vong sản phụ. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất Châu Á và là một trong 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất Thế giới. Hơn thế do tâm lý e ngại, muốn kín đáo, nhanh gọn mà nhiều thai phụ đã nạo phá thai ở những cơ sở y tế tư nhân không đảm bảo dẫn đến nhiều tai biến nặng nề. Nạo phá thai không an toàn dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm Phương pháp nạo phá thai ngày nay đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn không tránh được việc phần lớn trường hợp phải dùng dụng cụ nong bằng kim loại để nong rộng cổ tử cung; dùng muôi kim loại để nạo sạch khoang tử cung rất dễ gây tổn thương tử cung. Các tai biến đặc trưng của nạo phá thai -   Choáng: Có thể do do đau, do sợ hãi, do mất máu, do thuốc, … -   Nhiễm trùng: Do không đảm bảo vô khuẩn khi làm thủ thuật, do không đảm vảo vệ sinh phụ khoa sau thủ thuật quan hệ tình dục trở lại sớm. -   Sót rau – sót thai: Do thai bám quá sâu vào tử cung nên trong khi nạo hút thai, thai bị đứt rời, dính lại nơi tử cung, hoặc do tay nghề  thầy thuốc kém, lấy thai, nhau thai không hết. Khi bị sót nhau – sót thai, thai phụ sẽ đau bụng dữ dội, rong huyết, sản dịch bốc mùi hôi . Nếu không xử trí kịp thời sẽ gây nhiễm khuẩn nặng, thậm chí nguy hiểm do nhiễm khuẩn huyết, mất máu nặng. -   Rong kinh – rong huyết: Thông thường sau nạo phá thai nội khoa (dùng thuốc) thai phụ sẽ chảy máu khoảng 2 tuần. Nạo phá thai ngoại khoa (hút thai, nạo thai) thời gian chảy máu từ 1 tuần đến 10 ngày. -   Băng huyết: Là trường hợp chảy máu quá nhiều, thường xảy ra khi làm thủ thuật tại cơ sở hoạt động chui. Nếu không xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng do mất máu cấp. Biện pháp phòng tránh tốt nhất các tai biến là không để phải nạo phá thai -   Rách tử cung, thủng tử cung: Do thầy thuốc có tay nghề kém hoặc do tư thế tử cung bất thường gây ra. -   Ảnh hưởng đến sinh sản về sau: Gây sảy thai, hỏng thai, thai ngoài tử cung, vô sinh, dính buồng tử cung (thường gặp ở phụ nữ nạo phá thai, nhiều lần)… Từ đó, ảnh hưởng đến hạnh phúc và cuộc sống. Biện pháp phòng tránh tai biến sau nạo phá thai -   Tốt nhất là không để phải nạo phá thai: tuyên truyền – giáo dục sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn như uống thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai, sử dụng bao cao su… cho người dân, đặc biệt là trẻ vị thành niên. -   Khi buộc phải nạo phá thai (có thai ngoài ý muốn, bệnh lý của mẹ hoặc thai,…) cần đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và lựa chọn biện pháp bỏ thai thích hợp. -   Sau thủ thuật cần làm vệ sinh đúng cách, dùng thuốc và kiêng quan hệ tình dục theo hướng dẫn của bác sỹ. -   Sau thủ thuật nếu thấy các triệu chứng bất thường trên cần tái khám ngay để được phát hiện xử trí kịp thời các tai biến. Phạm Lan Anh  

CHĂM SÓC TRẺ TIÊU CHẢY CẤP KHI CHUYỂN MÙA

Tháng 8/2017, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 53 bệnh nhi mắc tiêu chảy cấp. Căn bệnh này khiến mất nước, rối loạn điện giải và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tiêu chảy cấp là đi ngoài phân lỏng nhiều nước trên 3 lần trong một ngày và kéo dài không quá 14 ngày. Đường lây truyền: Tác nhân gây bệnh tiêu chảy thường lây truyền qua thức ăn, nước uống ô nhiễm, hoặc tiếp xúc với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Tiêu chảy cấp ở trẻ em khiến mất nước và rối loạn điện giải Nguyên nhân tiêu chảy - Nhiễm trùng tại ruột: + Virus: Rota virus... + Vi khuẩn: lỵ trực tràng, tả, kí sinh trùng - Nhiễm trùng ngoài ruột: Viêm phổi, viêm màng não… - Tiêu chảy do thuốc: Kháng sinh, nhuận tràng… - Tiêu chảy do dị ứng thức ăn: Sữa bò, tôm, cua, cá…. - Các nguyên nhân khác: Rối loạn quá trình hấp thu, thiếu vitamin… - Các yếu tố thuận lợi: + 80% trẻ bị tiêu chảy dưới 2 tuổi + Trẻ suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, sau bị sởi… + Trẻ bú bình, không nuôi bằng sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu, cai sữa sớm trước 1 tuổi, thức ăn, nước uống không đun sôi, không rửa tay trước khi ăn. + Mùa hè trẻ mắc tiêu chảy chủ yếu do vi khuẩn, mùa đông thường do virus trong đó dễ gặp là Rota virus. Có 4 nguyên tắc chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà - Cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để phòng mất nước. Cho trẻ uống Oresol khi bị tiêu chảy cấp + Oresol và những dung dịch có vị mặn: nước cháo muối, nước cơm có muối, nước dừa. + Cách uống Oresol: Cho trẻ uống từng thìa, 2 phút uống 1 thìa, nếu trẻ nôn thì 10 phút sau uống tiếp. Trẻ < 2 tuổi: 50-100 ml sau mỗi lần đi ngoài. Trẻ > 2 tuổi: 100-200 ml sau mỗi lần đi ngoài. - Tiếp tục cho trẻ ăn đầy đủ: Trẻ bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú, khẩu phần ăn hàng ngày vẫn duy trì và tăng dần lên, không ăn thức ăn nhiều đường và khó tiêu. Không pha loãng sữa, ăn thêm thức ăn có kali: chuối... - Cho trẻ uống bổ sung kẽm + Trẻ 1< 6 tháng: 10 mg/ngày x 10- 14 ngày + Trẻ 1> 6 tháng: 20 mg/ngày x 10- 14 ngày - Đưa trẻ đi khám ngay khi có một trong những biểu hiện sau: + Đi ngoài nhiều lần phân lỏng, liên tục. + Nôn nhiều lần. + Ăn uống kém hoặc bỏ bú. + Có máu trong phân, sốt cao hơn. + Trẻ không đỡ sau 2 ngày điều trị. Cho trẻ ăn chín, uống sôi để phòng ngừa tiêu chảy cấp Phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ em - Bú mẹ đến 24 tháng. - Thực hiện tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia, uống thuốc phòng Rota virus. - Giữ vệ sinh sạch sẽ: Môi trường sống, nguồn nước, đồ ăn, nguồn thực phẩm an toàn, sạch sẽ, vệ sinh đôi bàn tay… Trần Diệp, Phạm Lan Anh  

CẢNH BÁO BỆNH VIÊM PHỔI KHI GIAO MÙA

Viêm phổi là bệnh về đường hô hấp thường xảy ra khi thời tiết giao mùa. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, đúng cách. Từ tháng 8 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 576 trường hợp bệnh nhân mắc viêm phổi nhập viện điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân rất nặng, gia đình xin thôi điều trị đưa về nhà do không có hi vọng cứu chữa, một trường hợp tử vong. Phế nang khi bệnh nhân bị viêm phổi Viêm phổi là những viêm nhiễm ở phổi do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường do vi khuẩn hoặc virut. Thời tiết chuyển mùa hè sang thu ngày đầu tối nóng, đêm lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển. Dấu hiệu nhận biết - Bệnh nhân ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, xanh, vàng… đôi khi ho ra máu. - Đau ngực, khó thở tăng dần. - Sốt, ớn lạnh, đau đầu, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau cơ hoặc ý thức chậm (ở người già). Xử trí khi bị viêm phổi - Khi có những triệu chứng nghi ngờ bị viêm phổi, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh ngay từ sớm. - Không được tự ý mua thuốc uống ở nhà, dẫn tới việc khi đến bệnh viện đã quá muộn, tránh những biến chứng nguy hiểm. - Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sỹ về sử dụng thuốc, chế độ nghỉ ngơi và ăn uống.  Khi chuyển mùa, mỗi người nên chủ động giữ gìn sức khỏe tránh nhiễm lạnh đột ngột Phòng tránh viêm phổi khi chuyển mùa - Giữ ấm cơ thể tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ, ngực và hai bàn chân. - Giữ vệ sinh nơi ở, đồ dùng hàng ngày, đeo khẩu trang khi ra ngoài và súc họng bằng nước muối để phòng các bệnh mũi họng. - Chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. - Sắp xếp chế độ lao động, nghỉ ngơi, rèn luyện thể dục hợp lý theo thể trạng từng người. Bệnh viêm phổi nếu không được điều trị tốt dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong. Do vậy, khi thời tiết thay đổi, mỗi người cần chủ động giữ gìn sức khỏe, nhất là với hai đối tượng dễ mắc viêm phổi là người cao tuổi và trẻ nhỏ.    

NHỮNG RỦI RO CỦA PHƯƠNG PHÁP SINH MỔ

Hiện nay tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng, do các chỉ định về sản khoa được mở hơn và một số bà mẹ thích lựa chọn mổ đẻ vì sợ cơn đau đẻ, cho rằng mổ đẻ tốt hơn, chọn giờ sinh tốt hoặc lo ngại vấn đề thẩm mỹ vùng kín. Liệu mổ đẻ có thực sự là phương pháp hiệu quả hơn so với đẻ đường tự nhiên? Theo khuyến cáo của WHO,  tỷ lệ mổ lấy thai hợp lý chỉ là 10-15%. Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ mổ lấy thai năm 2007 là 40-48%. Thế giới đã có những thống kê cho thấy các biến chứng và tai biến của mổ lấy thai tăng cao hơn nhiều so với đẻ thường. Mổ lấy thai có nguy cơ gây tử vong mẹ cao gấp 2-10 lần; nguy cơ chết sơ sinh của mổ lấy thai cao gấp 3 lần so với đẻ đường tự nhiên (Abouzahr et all, Bullentin of the WHO, 2001). Do vậy cần chú ý một số rủi ro của phương pháp sinh mổ: Sinh mổ có một số bất lợi cho mẹ và trẻ Bất lợi cho mẹ Tai biến khi gây mê: có thể xảy ra hiện tượng trào ngược thực quản trong gây tê tuỷ sống hoặc không đặt được nội khí quản khi gây mê toàn thân. Cả hai tai biến này đều có thể gây tử vong cho mẹ trong hoặc sau cuộc mổ. Tổn thương các cơ quan trong ổ bụng: niệu quản, bàng quang, ruột…nhất là ở những bà mẹ đã có tiền sử phẫu thuật ổ bụng trước đó. Nhiễm trùng vết mổ, nặng nề hơn là viêm phúc mạc. Mặc dù đã dùng kháng sinh sau mổ một cách hệ thống nhưng nhiễm trùng tại vết mổ thành bụng hay vết mổ tử cung vẫn khó tránh khỏi do công tác vô khuẩn không đảm bảo hoặc sức đề kháng của bệnh nhân kém. Mất máu khi mổ: trung bình một ca mổ lấy thai mất máu khoảng 500ml, cao hơn so với đẻ đường dưới. Ứ sản dịch nếu mổ lấy thai khi chưa chuyển dạvì chuyển dạ làm mở cổ tử cung khiến sản dịch dễ thoát ra ngoài sau đẻ. Dùng kháng sinh gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sữa mẹ do kháng sinh có thể qua sữa. Gia tăng nguy cơ nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng bà mẹ: chửa ngoài tử cung trong những lần có thai sau, , vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau cài răng lược, chửa tại vết mổ lấy thai cũ, .Trong vài chục năm gần đây người ta bắt đầu ghi nhận các triệu chứng phụ khoa sau mổ lấy thai như ra máu bất thường, thống kinh, đau bụng vùng chậu mạn tính hoặc đau khi giao hợp. Nhiều giả thuyết cho rằng, các triệu chứng này có liên quan đến quá trình lành sẹo không hoàn toàn của sẹo mổ lấy thai (hở sẹo mổ lấy thai cũ). Sản phụ cần chuẩn bị tư tưởng và thể chất trước sinh phù hợp cho cuộc vượt cạn thành công Bất lợi cho thai Trẻ có thể bị hội chứng chậm hấp thu dịch phổi: trẻ mổ lấy thai không qua ống âm đạo, phổi không bị ép để tống xuất các chất dịch ra ngoài. Sự tồn ứ dịch trong phổi làm trẻ tăng nguy cơ suy hô hấp, việc điều trị đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức. Trẻ có sức đề kháng yếu hơn: sự chuyển dạ của người mẹ sẽ sản sinh ra nhiều yếu tố bảo vệ trẻ. Trẻ đẻ thường được tiếp xúc với những vi khuẩn có lợi ở đường âm đạo giúp trẻ có hệ miễn dịch cao hơn. Trẻ đẻ mổ không trải qua quá trình này nên sức đề kháng yếu hơn. Thủ thuật hỗ trợ sinh sản kéo thai nhi ra khỏi cửa mình người mẹ ở những ca sinh khó có thể gây ra những sang chấn sản khoa như tổn thương não hoặc đứt dây thần kinh, gãy xương… Do những nguy cơ cao do mổ lấy thai gây ra, bác sĩ luôn khuyên các bà mẹ nên đẻ thường thuận theo tự nhiên, chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định của thầy thuốc. Các bà mẹ cần chuẩn bị tư tưởng và và thể chất trước sinh phù hợp để cuộc vượt cạn được an toàn. Như Thùy Vân

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THAI NGOÀI TỬ CUNG

Trong 9 tháng năm 2017, Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hơn 100 trường hợp mang thai ngoài tử cung. Hiện tượng thai nghén bất thường này có thể gây chảy máu nặng, nguy hiểm khiến thai phụ tử vong nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời.  Chửa ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển đến tử cung. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như: Vòi trứng (phổ biến nhất), trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí ngay trong ổ bụng. Khối thai này khó có thể phát triển thành thai bình thường, đủ ngày, đủ tháng vì thai không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng do chỗ bám của bánh rau (nhau thai) không bình thường. Tùy thuộc vào vị trí hoặc thời điểm sớm hay muộn, khối chửa sẽ vỡ ra và gây chảy máu ồ ạt. Biểu hiện ban đầu của thai ngoài tử cung là chậm kinh khoảng 2 tuần, sau đó ra máu âm đạo, kèm đau bụng dưới. Nhiều phụ nữ không biết mình có thai, khi bị ra máu dễ lầm tưởng đó là hiện tượng kinh nguyệt. Tuy nhiên, khác với huyết kinh nguyệt, hiện tượng chảy máu do chửa ngoài tử cung sẽ kéo dài hơn, ra ít một, mầu thẫm. Cá biệt có trường hợp không bị ra huyết. Nhiều phụ nữ không biết mình có thai, khi bị ra máu dễ lầm tưởng đó là hiện tượng kinh nguyệt Nguyên nhân chủ yếu gây thai ngoài tử cung là do vòi trứng bị hẹp, thu nhỏ lại, bị biến dạng hoặc tắc (do bị viêm nhiễm). Phụ nữ có tiền sử thai ngoài tử cung, cũng có thể xảy ra nguy cơ trong các lần mang thai sau.          Thai ngoài tử cung cần loại bỏ để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng: - Khi phát hiện sớm thai ngoài tử cung, có thể dùng thuốc hủy thai (ngăn chặn sự tăng trưởng tế bào và hòa tan các tế bào hiện có). Nếu thai ngoài tử cung không đáp ứng thuốc hoặc quá lớn, cần phẫu thuật nội soi. - Nếu thai ngoài tử cung gây chảy máu nặng hoặc ống dẫn trứng bị vỡ, cần phẫu thuật khẩn cấp để cầm máu. Trường hợp này thường phải cắt bỏ một bên vòi trứng. Để phòng bệnh chị em cần lưu ý: - Đảm bảo vệ sinh sinh dục để tránh nguy cơ mắc viêm nhiễm phụ khoa (thường xuyên, đúng cách). - Khi có viêm nhiễm phụ khoa, cần đi khám sớm để điều trị thích hợp tránh biến chứng viêm dính tắc vòi trứng. - Sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn,  tránh nạo phá thai. - Nếu đã có tiền sử thai ngoài tử cung, cần được khám và tư vấn của bác sỹ chuyên khoa trong những lần mang thai tiếp theo. Phạm Lan Anh

TIÊM VITAMIN K NGĂN NGỪA XUẤT HUYẾT NÃO – MÀNG NÃO Ở TRẺ NHỎ

Xuất huyết não – màng não (XHN-MN) là tình trạng bệnh nguy hiểm xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân chính gây bệnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, là do thiếu vitamin K. XHN-MN tình trạng chảy máu ở não và màng não. XHN-MN ở trẻ nhỏ là một bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong cao tỷ lệ để lại di chứng tới 40-50%. XHN-MN ở trẻ nhỏ khá phổ biến ở các nước trên thế giới cũng như ở nước ta. Các di chứng của XHN-MN ở trẻ nhỏ rất nặng nề như động kinh, liệt vận động, chậm phát triển tinh thần, ứ nước não thất, khiến trẻ bị tàn tật suốt đời. Nguyên nhân chính gây XHN-MN ở trẻ nhỏ là do thiếu vitamin K. Vitamin K tham gia vào quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu ở gan, nếu thiếu các yếu tố đó cơ thể dễ bị chảy máu. Vitamin K tan trong dầu, cơ thể được cung cấp vitamin K qua 2 nguồn: thực phẩm (rau xanh, thịt, gan động vật) và vi khuẩn đường ruột tổng hợp. Biểu hiện lâm sàng của XHN-MN do thiếu vitamin K XHN-MN do thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ thường xảy ra rất sớm, từ tuần lễ đầu tiên sau sinh đến 3 tháng tuổi. Bệnh xảy ra rất nhanh, da trẻ tái xanh, bỏ bú, nôn trớ, khóc thét, rên rỉ và co giật. Đồng thời với co giật, trẻ sẽ mất ý thức và hôn mê. Trẻ tiếp tục co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ ở một chi, mặt hay nửa người, sụp mi mắt. Nhiều trẻ có biểu hiện thở không đều hoặc có từng lúc ngừng thở. Trẻ sẽ có dấu hiệu căng, phồng trên thóp. Trên da trẻ có một số biểu hiện xuất huyết, có chỗ tím bầm. Trẻ trong tuần đầu sau sinh còn có biểu hiện chảy máu rốn kéo dài và nếu trẻ có tiêm chích thì tại vị trí đó bầm tím. Khi có biểu hiện xuất huyết ở da, rốn, chỗ tiêm chích, người nhà nên đưa trẻ tới bệnh viện khám sớm để phát hiện tình trạng dễ chảy máu và được điều trị sớm, không để xảy ra XHN-MN. Nếu biểu hiện bệnh như trên xảy ra với trẻ vào khoảng 30-60 ngày tuổi có thể nghi ngờ ngay là XHN-MN. Xét nghiệm thấy có thiếu máu, chọc dò nước não tủy thấy dịch chảy ra màu hồng có máu. Nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ Trong quá trình mang thai, vitamin K được cung cấp do chuyển từ mẹ sang thai nhi qua rau thai, tuy nhiên, lượng này rất nhỏ, thấp hơn nhu cầu sinh lý. Do vậy, trẻ nhận được phần lớn vitamin K qua sữa mẹ và các thực phẩm khác. Lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò, sữa bột nhân tạo. Lượng vitamin K trong sữa mẹ thay đổi từ 20-30 microgam/lít, trong khi ở sữa bột nhân tạo trên 50 microgam/lít. Nếu người mẹ không được ăn uống bồi dưỡng trong những tháng cuối thai kỳ hoặc người mẹ ăn kiêng khem sau sinh sẽ dẫn tới lượng vitamin K bị trong sữa mẹ bị ít đi. Trẻ sơ sinh khoảng một tháng tuổi, vi khuẩn có khả năng tổng hợp vitamin K ở ruột chưa đủ, do vậy trẻ nhỏ dễ bị thiếu vitamin K, dễ bị XHN-MN hơn trẻ lớn. Những trẻ nhỏ sử dụng kháng sinh sớm, bị rối loạn tiêu hóa cũng khiến nguồn vitamin K ở ruột được tổng hợp ít. Các biện pháp dự phòng XHN-MN Bệnh XHN-MN ở trẻ nhỏ có thể dự phòng bằng cách cung cấp vitamin K cho tất cả trẻ mới sinh theo 2 phương pháp: - Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 1mg, hoặc vitamin K3 2mg. - Cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần, lần một sau khi sinh, lần hai lúc 7 ngày tuổi và lần ba lúc 1 tháng tuổi. Cách tốt nhất là dùng phương pháp tiêm một lần cho trẻ ngay sau sinh (tiêm cho tất cả trẻ ngay sau sinh không kể trẻ đó đủ tháng hay thiếu tháng, trẻ khỏe hay yếu). Hiệu quả của sử dụng vitamin K1 và K3 là như nhau. 

PHÒNG TRÁNH ONG ĐỐT VÀ CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ ONG ĐỐT

Từ tháng 7/2017 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hơn và điều trị cho hơn 10 trường hợp bệnh nhân bị các loại ong gây nhiễm độc đốt như ong vò vẽ, ong đất, ong bắp cày, ong mật… Khi bị đốt, người bệnh sẽ cảm thấy đau buốt, sưng, có thể bị nhiễm độc, thậm chí tử vong nếu không được sơ cứu đúng cách. Vì vậy, bên cạnh việc phòng ngừa, cần phải biết cách xử trí kịp thời khi có dấu hiệu nguy hiểm. Biểu hiện và nhận diện loại ong khi bị đốt - Ong mật: Loại ong này thường tấn công vào các vị trí nguy hiểm như đầu, mặt, cổ của nạn nhân. Sau khi đốt, chúng để lại ngòi trên chỗ đốt; sưng đau, nề tổn thương mắt và dị ứng (mẩn ngứa tại vết đốt, đỏ da toàn thân, khó thở, sốc do dị ứng như mạch nhanh, tụt huyết áp). - Ong bò vẽ, ong bắt cày, ong đất: Nạn nhân thường bị các loại ong này đốt nhiều nốt một lúc và không để lại ngòi. Nọc ong có độc tính cao, gây tổn thương da và để lại sẹo ở vùng bị đốt; độc với cơ, thận, máu có thể dẫn đến tử vong; gia súc lớn bị đốt nhiều nốt cũng có thể chết. Cách xử trí khi bị ong đốt - Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong, đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể. - Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn ép  lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể. - Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, uống nhiều nước để loại thải các độc tố. Sau xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận. Nếu nạn nhân có biểu hiện nặng lên phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Khi nạn nhân có các biểu hiện như: số lượng vết đốt nhiều, bị đốt vào các vùng mặt, cổ, môi miệng gây đau, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa khó thở, đái ít, mệt mỏi… thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế. Không tự dùng thuốc (dù là thuốc đông y hay thuốc tân dược) làm mất thời gian có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Phòng tránh ong đốt - Tránh tiếp xúc với ong, không kích động hoặc chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động. - Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ mới xây (thường tháng 3-4) - Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín. - Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi. Để loại bỏ tổ ong nên dùng khói, bình xịt côn trùng xua ong đi hết sau đó dùng lưới mắt nhỏ hoặc màn bọc tổ ong gỡ đi. Người thực hiện cần mặc quần áo dày, áo mưa (loại nhựa dày) đi găng và đầu đội mũ kín.                                                                        Hoàng Tiến Ninh                                                      

Trang