CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Hội chứng Sheehan - Biến chứng sản khoa âm thầm

Ngày 31 / 08 / 2017
|
Y học thường thức

Ngày 22/8/2017, Khoa Hồi sứu cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Thị M (51 tuổi, địa chỉ: Đình Lập - Lạng Sơn). Bệnh nhân đã trải qua 4 lần sinh. Trong lần sinh thứ 4 (cách đây khoảng 20 năm), bệnh nhân sinh đôi, đẻ tại nhà và bị băng huyết sau đẻ. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện huyện, chẩn đoán rau cài răng lược và được mổ cắt tử cung, phải truyền máu sau mổ. Vượt qua cơn nguy biến nhưng chị M thấy sức khỏe không hồi phục được. Chị thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kém ăn, đi lại khó khăn, cơ bắp teo. Đã nhiều lần, chị M phải nhập viện điều trị vì suy nhược cơ thể. Lần điều trị này, chị bị thiếu máu nặng, Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được các bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng Sheehan.

Hiện tại, bệnh nhân M đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu

Hội chứng Sheehan  là do suy tuyến yên sau đẻ. Nguyên nhân chính là do mất máu cấp với số lượng lớn trong và sau sinh, khiến máu cung cấp lên não bị suy giảm,  làm hoại tử tuyến Yên. Từ đó, lượng hormon tuyến Yên tiết ra bị giảm hoặc mất, gây ảnh hưởng tới hàng loạt các tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục...

Hội chứng Sheehan tiến triển âm thầm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau đẻ, là tổng hợp của các triệu chứng suy tuyến giáp, thượng thận và sinh dục. Các triệu chứng của suy giáp như chậm chạp, tăng cân, sợ lạnh... Các triệu chứng của suy thượng thận như mệt nhiều, huyết áp thấp, sút cân... Các triệu chứng của suy tuyến sinh dục như rụng lông, không có kinh trở lại hoặc kinh nguyệt không đều... Các triệu chứng khác như thiếu máu nặng, có thể bị trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần. Do triệu chứng không rõ ràng nên nhiều phụ nữ đều cho rằng, đó là những biểu hiện bình thường sau sinh khiến sức khỏe giảm sút, có thể cho là hậu sản.

Do triệu chứng không rõ ràng nên nhiều phụ nữ đều cho rằng, đó là những biểu hiện bình thường sau sinh khiến sức khỏe giảm sút, có thể cho là hậu sản.

Tổn thương tuyến yên trong hội chứng Sheehan không hồi phục và việc điều trị phải bù các hormon của tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận…cho bệnh nhân. Việc dùng các hormon thay thế có thể giúp cho bệnh nhân cải thiện đáng kể các triệu chứng. Thuốc sử dụng thường là các hormon tổng hợp, điều trị lâu dài và suốt đời.

Hội chứng Sheehan là một bệnh lý nội tiết nặng và khá phức tạp nhưng nếu được điều trị đầy đủ, bệnh nhân hoàn toàn có được cuộc sống khỏe mạnh. Một điều may mắn là nhờ những tiến bộ trong sản khoa nên căn bệnh này ngày càng ít gặp hơn và cũng được phát hiện sớm hơn.

Để dự phòng hội chứng Sheehan, những phụ nữ mang thai cần kiểm tra sức khỏe và khám thai định kỳ. Đặc biệt, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý trong suốt thai kỳ để kkhi sinh được an toàn, tránh các tai biến gây mất máu cấp, tụt huyết áp trong và sau khi sinh.

Bác sĩ Như Thùy Vân 

Ý kiến bạn đọc