CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

TIÊM VITAMIN K NGĂN NGỪA XUẤT HUYẾT NÃO – MÀNG NÃO Ở TRẺ NHỎ

Ngày 26 / 09 / 2017
|
Y học thường thức

Xuất huyết não – màng não (XHN-MN) là tình trạng bệnh nguy hiểm xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân chính gây bệnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, là do thiếu vitamin K.

XHN-MN tình trạng chảy máu ở não và màng não. XHN-MN ở trẻ nhỏ là một bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong cao tỷ lệ để lại di chứng tới 40-50%. XHN-MN ở trẻ nhỏ khá phổ biến ở các nước trên thế giới cũng như ở nước ta. Các di chứng của XHN-MN ở trẻ nhỏ rất nặng nề như động kinh, liệt vận động, chậm phát triển tinh thần, ứ nước não thất, khiến trẻ bị tàn tật suốt đời.

Nguyên nhân chính gây XHN-MN ở trẻ nhỏ là do thiếu vitamin K. Vitamin K tham gia vào quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu ở gan, nếu thiếu các yếu tố đó cơ thể dễ bị chảy máu. Vitamin K tan trong dầu, cơ thể được cung cấp vitamin K qua 2 nguồn: thực phẩm (rau xanh, thịt, gan động vật) và vi khuẩn đường ruột tổng hợp.

Biểu hiện lâm sàng của XHN-MN do thiếu vitamin K

XHN-MN do thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ thường xảy ra rất sớm, từ tuần lễ đầu tiên sau sinh đến 3 tháng tuổi. Bệnh xảy ra rất nhanh, da trẻ tái xanh, bỏ bú, nôn trớ, khóc thét, rên rỉ và co giật. Đồng thời với co giật, trẻ sẽ mất ý thức và hôn mê. Trẻ tiếp tục co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ ở một chi, mặt hay nửa người, sụp mi mắt. Nhiều trẻ có biểu hiện thở không đều hoặc có từng lúc ngừng thở.

Trẻ sẽ có dấu hiệu căng, phồng trên thóp. Trên da trẻ có một số biểu hiện xuất huyết, có chỗ tím bầm. Trẻ trong tuần đầu sau sinh còn có biểu hiện chảy máu rốn kéo dài và nếu trẻ có tiêm chích thì tại vị trí đó bầm tím. Khi có biểu hiện xuất huyết ở da, rốn, chỗ tiêm chích, người nhà nên đưa trẻ tới bệnh viện khám sớm để phát hiện tình trạng dễ chảy máu và được điều trị sớm, không để xảy ra XHN-MN.

Nếu biểu hiện bệnh như trên xảy ra với trẻ vào khoảng 30-60 ngày tuổi có thể nghi ngờ ngay là XHN-MN. Xét nghiệm thấy có thiếu máu, chọc dò nước não tủy thấy dịch chảy ra màu hồng có máu.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ

Trong quá trình mang thai, vitamin K được cung cấp do chuyển từ mẹ sang thai nhi qua rau thai, tuy nhiên, lượng này rất nhỏ, thấp hơn nhu cầu sinh lý. Do vậy, trẻ nhận được phần lớn vitamin K qua sữa mẹ và các thực phẩm khác. Lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò, sữa bột nhân tạo. Lượng vitamin K trong sữa mẹ thay đổi từ 20-30 microgam/lít, trong khi ở sữa bột nhân tạo trên 50 microgam/lít.

Nếu người mẹ không được ăn uống bồi dưỡng trong những tháng cuối thai kỳ hoặc người mẹ ăn kiêng khem sau sinh sẽ dẫn tới lượng vitamin K bị trong sữa mẹ bị ít đi. Trẻ sơ sinh khoảng một tháng tuổi, vi khuẩn có khả năng tổng hợp vitamin K ở ruột chưa đủ, do vậy trẻ nhỏ dễ bị thiếu vitamin K, dễ bị XHN-MN hơn trẻ lớn. Những trẻ nhỏ sử dụng kháng sinh sớm, bị rối loạn tiêu hóa cũng khiến nguồn vitamin K ở ruột được tổng hợp ít.

Các biện pháp dự phòng XHN-MN

Bệnh XHN-MN ở trẻ nhỏ có thể dự phòng bằng cách cung cấp vitamin K cho tất cả trẻ mới sinh theo 2 phương pháp:

- Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 1mg, hoặc vitamin K3 2mg.

- Cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần, lần một sau khi sinh, lần hai lúc 7 ngày tuổi và lần ba lúc 1 tháng tuổi.

Cách tốt nhất là dùng phương pháp tiêm một lần cho trẻ ngay sau sinh (tiêm cho tất cả trẻ ngay sau sinh không kể trẻ đó đủ tháng hay thiếu tháng, trẻ khỏe hay yếu). Hiệu quả của sử dụng vitamin K1 và K3 là như nhau. 

Ý kiến bạn đọc