CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHỮNG RỦI RO CỦA PHƯƠNG PHÁP SINH MỔ

Ngày 11 / 10 / 2017
|
Y học thường thức

Hiện nay tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng, do các chỉ định về sản khoa được mở hơn và một số bà mẹ thích lựa chọn mổ đẻ vì sợ cơn đau đẻ, cho rằng mổ đẻ tốt hơn, chọn giờ sinh tốt hoặc lo ngại vấn đề thẩm mỹ vùng kín. Liệu mổ đẻ có thực sự là phương pháp hiệu quả hơn so với đẻ đường tự nhiên?

Theo khuyến cáo của WHO,  tỷ lệ mổ lấy thai hợp lý chỉ là 10-15%. Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ mổ lấy thai năm 2007 là 40-48%. Thế giới đã có những thống kê cho thấy các biến chứng và tai biến của mổ lấy thai tăng cao hơn nhiều so với đẻ thường. Mổ lấy thai có nguy cơ gây tử vong mẹ cao gấp 2-10 lần; nguy cơ chết sơ sinh của mổ lấy thai cao gấp 3 lần so với đẻ đường tự nhiên (Abouzahr et all, Bullentin of the WHO, 2001).

Do vậy cần chú ý một số rủi ro của phương pháp sinh mổ:

Sinh mổ có một số bất lợi cho mẹ và trẻ

Bất lợi cho mẹ

  • Tai biến khi gây mê: có thể xảy ra hiện tượng trào ngược thực quản trong gây tê tuỷ sống hoặc không đặt được nội khí quản khi gây mê toàn thân. Cả hai tai biến này đều có thể gây tử vong cho mẹ trong hoặc sau cuộc mổ.
  • Tổn thương các cơ quan trong ổ bụng: niệu quản, bàng quang, ruột…nhất là ở những bà mẹ đã có tiền sử phẫu thuật ổ bụng trước đó.
  • Nhiễm trùng vết mổ, nặng nề hơn là viêm phúc mạc. Mặc dù đã dùng kháng sinh sau mổ một cách hệ thống nhưng nhiễm trùng tại vết mổ thành bụng hay vết mổ tử cung vẫn khó tránh khỏi do công tác vô khuẩn không đảm bảo hoặc sức đề kháng của bệnh nhân kém.
  • Mất máu khi mổ: trung bình một ca mổ lấy thai mất máu khoảng 500ml, cao hơn so với đẻ đường dưới.
  • Ứ sản dịch nếu mổ lấy thai khi chưa chuyển dạvì chuyển dạ làm mở cổ tử cung khiến sản dịch dễ thoát ra ngoài sau đẻ.
  • Dùng kháng sinh gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sữa mẹ do kháng sinh có thể qua sữa.
  • Gia tăng nguy cơ nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng bà mẹ: chửa ngoài tử cung trong những lần có thai sau, , vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau cài răng lược, chửa tại vết mổ lấy thai cũ, .Trong vài chục năm gần đây người ta bắt đầu ghi nhận các triệu chứng phụ khoa sau mổ lấy thai như ra máu bất thường, thống kinh, đau bụng vùng chậu mạn tính hoặc đau khi giao hợp. Nhiều giả thuyết cho rằng, các triệu chứng này có liên quan đến quá trình lành sẹo không hoàn toàn của sẹo mổ lấy thai (hở sẹo mổ lấy thai cũ).

Sản phụ cần chuẩn bị tư tưởng và thể chất trước sinh phù hợp cho cuộc vượt cạn thành công

Bất lợi cho thai

  • Trẻ có thể bị hội chứng chậm hấp thu dịch phổi: trẻ mổ lấy thai không qua ống âm đạo, phổi không bị ép để tống xuất các chất dịch ra ngoài. Sự tồn ứ dịch trong phổi làm trẻ tăng nguy cơ suy hô hấp, việc điều trị đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức.
  • Trẻ có sức đề kháng yếu hơn: sự chuyển dạ của người mẹ sẽ sản sinh ra nhiều yếu tố bảo vệ trẻ. Trẻ đẻ thường được tiếp xúc với những vi khuẩn có lợi ở đường âm đạo giúp trẻ có hệ miễn dịch cao hơn. Trẻ đẻ mổ không trải qua quá trình này nên sức đề kháng yếu hơn.
  • Thủ thuật hỗ trợ sinh sản kéo thai nhi ra khỏi cửa mình người mẹ ở những ca sinh khó có thể gây ra những sang chấn sản khoa như tổn thương não hoặc đứt dây thần kinh, gãy xương…

Do những nguy cơ cao do mổ lấy thai gây ra, bác sĩ luôn khuyên các bà mẹ nên đẻ thường thuận theo tự nhiên, chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định của thầy thuốc. Các bà mẹ cần chuẩn bị tư tưởng và và thể chất trước sinh phù hợp để cuộc vượt cạn được an toàn.

Như Thùy Vân

Ý kiến bạn đọc