CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THAI NGOÀI TỬ CUNG

Ngày 28 / 09 / 2017
|
Y học thường thức

Trong 9 tháng năm 2017, Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hơn 100 trường hợp mang thai ngoài tử cung. Hiện tượng thai nghén bất thường này có thể gây chảy máu nặng, nguy hiểm khiến thai phụ tử vong nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời. 

Chửa ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển đến tử cung. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như: Vòi trứng (phổ biến nhất), trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí ngay trong ổ bụng. Khối thai này khó có thể phát triển thành thai bình thường, đủ ngày, đủ tháng vì thai không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng do chỗ bám của bánh rau (nhau thai) không bình thường. Tùy thuộc vào vị trí hoặc thời điểm sớm hay muộn, khối chửa sẽ vỡ ra và gây chảy máu ồ ạt.

Biểu hiện ban đầu của thai ngoài tử cung là chậm kinh khoảng 2 tuần, sau đó ra máu âm đạo, kèm đau bụng dưới. Nhiều phụ nữ không biết mình có thai, khi bị ra máu dễ lầm tưởng đó là hiện tượng kinh nguyệt. Tuy nhiên, khác với huyết kinh nguyệt, hiện tượng chảy máu do chửa ngoài tử cung sẽ kéo dài hơn, ra ít một, mầu thẫm. Cá biệt có trường hợp không bị ra huyết.

Nhiều phụ nữ không biết mình có thai, khi bị ra máu dễ lầm tưởng đó là hiện tượng kinh nguyệt

Nguyên nhân chủ yếu gây thai ngoài tử cung là do vòi trứng bị hẹp, thu nhỏ lại, bị biến dạng hoặc tắc (do bị viêm nhiễm). Phụ nữ có tiền sử thai ngoài tử cung, cũng có thể xảy ra nguy cơ trong các lần mang thai sau.         

Thai ngoài tử cung cần loại bỏ để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng:

Khi phát hiện sớm thai ngoài tử cung, có thể dùng thuốc hủy thai (ngăn chặn sự tăng trưởng tế bào và hòa tan các tế bào hiện có). Nếu thai ngoài tử cung không đáp ứng thuốc hoặc quá lớn, cần phẫu thuật nội soi.

Nếu thai ngoài tử cung gây chảy máu nặng hoặc ống dẫn trứng bị vỡ, cần phẫu thuật khẩn cấp để cầm máu. Trường hợp này thường phải cắt bỏ một bên vòi trứng.

Để phòng bệnh chị em cần lưu ý:

Đảm bảo vệ sinh sinh dục để tránh nguy cơ mắc viêm nhiễm phụ khoa (thường xuyên, đúng cách).

Khi có viêm nhiễm phụ khoa, cần đi khám sớm để điều trị thích hợp tránh biến chứng viêm dính tắc vòi trứng.

Sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn,  tránh nạo phá thai.

Nếu đã có tiền sử thai ngoài tử cung, cần được khám và tư vấn của bác sỹ chuyên khoa trong những lần mang thai tiếp theo.

Phạm Lan Anh

Ý kiến bạn đọc