CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LỒNG RUỘT CẤP Ở TRẺ

Ngày 10 / 11 / 2017
|
Y học thường thức

Lồng ruột là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Trường hợp phát hiện muộn sẽ rất khó điều trị và để lại hậu quả nặng nề, thậm chí có thể tử vong.

Lồng ruột là tình trạng một khúc ruột chui vào lòng của một khúc ruột khác và gây tắc nghẽn lòng ruột; ngăn cản thức ăn và dịch ruột di chuyển xuống phía dưới. Khối lồng hình thành làm thành ruột trong khối lồng ép chặt vào nhau làm giảm hoặc mất nguồn cung cấp máu tới đoạn ruột bị lồng gây phù nề, hoặc hoại tử. Hậu quả hoại tử và thủng. Toàn thân thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc, mất nước và điện giải do tổn thương tại khối lồng và tình trnajg rối loạn hoạt động ruột gây nôn rất nhiều. Nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.  Lồng ruột gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là độ 5 – 10 tháng tuổi.

Lồng ruột cấp ở trẻ nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề

Trong 9 tháng năm 2017, khoa Ngoại Tổng Hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 70 trẻ bị lồng ruột cấp. Một số trường hợp không được đưa đến sớm do trước đó tự điều trị ở nhà ( xoa dầu vào bụng, cho uống thuốc chống nôn,…) làm bệnh nặng hơn, gây nguy hiểm cho trẻ.

 Triệu chứng gợi ý trẻ bị lồng ruột

Khi thấy trẻ có một số triệu chứng sau thì nên nghi ngờ bị lồng ruột:

- Đau bụng: là biểu hiện nổi bật nhất, cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội. Trẻ ưỡn người, giãy giụa; khóc thét từng cơn theo mỗi đợt đau, mỗi cơn đau kéo dài 5-15 phút. Cơn đau xuất hiện, mất đi cũng đột ngột Sau cơn đau trẻ có thể lại bú hoặc chơi nhưng rồi lại tái diễn.

- Bỏ vú đối với trẻ bú mẹ: trẻ đang bú hoặc bú lại sau cơn đau bung đột nhiên nhả vú mẹ và khóc thét do có tiếp cơn đau bụng.

- Nôn ra thức ăn: Xuất hiện từ cơn đau đầu tiên ở hầu hết trẻ nhỏ, nôn ra dịch xanh hoặc màu vàng (nếu ở giai đoạn muộn).

- Phân có máu: Sau 6 – 8 tiếng kể từ cơn đau đầu tiên, có thể xuất hiện đại tiện ra máu tươi và chất nhầy. Dấu hiệu này dễ bị nhầm với bệnh lị.

- Đại đa số các trường hợp lồng ruột có bí trung đại tiện (vì khối lồng gây tắc hoàn toàn). Tuy nhiên đôi khi ruột không tắc hoàn toàn bệnh nhân vẫn tiếp tục đại tiện được.

Can thiệp tháo lồng ruột cho bệnh nhân

- Khi bệnh tiến triển trẻ mệt lả, ít hoạt động, có thể xuất hiện sốt. Một số trường hợp nặng có thể rơi vào tình trạng sốc.

Xử trí khi nghi trẻ bị lồng ruột:

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để xác định chẩn đoán. Khi xác định trẻ bị lồng ruột, biện pháp chủ yếu là bơm tháo khối lồng mà không cần phải phẫu thuật. Sau đó trẻ cần theo dõi 1-2 ngày là có thể ra viện. Chỉ một số trường hợp do đến muộn hoặc bơm tháo không thành công mới cần phẫu thuật. Một số trường hợp đến muộn phải cắt đoạn ruột (nhiều hay ít tùy thuộc mức độ hoại tử ruột do bị lồng lâu và nặng. Tình trạng này khiến trẻ có thể gặp nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài về tiêu hóa.

Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám khi có các dấu hiệu bất thường, nhất là dấu hiệu giợi ý bị lồng ruột đã nêu ở trên để tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra hoặc phát hiện các bệnh khác.

          Phạm Lan Anh

 

Ý kiến bạn đọc