CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

TĂNG HUYẾT ÁP VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP

Ngày 28 / 11 / 2017
|
Y học thường thức

 

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh ngày càng phổ biến. Bệnh thường diễn biến âm thầm nên nhiều người khi có những biến chứng bất ngờ, phải nhập viện mới biết mình đã bị tăng huyết áp từ lâu.

Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Bình thường số đo HA tâm thu dao động từ 90 - 139 mmHg và HA tâm trương từ 60 - 85 mmHg. Tăng huyết áp là một bệnh lý trong đó trị số HA lúc nghỉ cao hơn mức bình thường: HA tâm thu ≥ 140 mmHg, THA tâm trương ≥ 90 mmHg, hoặc tăng cả hai. Tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh thường gặp. Nếu không được điều trị đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề... thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng sẽ để lại những hậu quả nặng nề

Các biến chứng của THA

- Các biến chứng tim mạch

    +  Cao huyết áp lâu ngày làm hỏng lớp nội mạc, gây xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch vành gây đau ngực do thiếu máu cơ tim, nặng có thể gây nhồi máu cơ tim.

    +  THA làm cơ tim phì đại (cơ tim dầy lên).

    +  THA có thể dẫn đến suy tim.

- Các biến chứng về não

   +  Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ. Khi đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong (triệu chứng và hậu quả của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết).

   +  Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự hỏng mạch vành). Nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây hủy hoại 1 vùng não (còn gọi là nhũn não).

   +  Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh.

Tăng huyết áp để lại nhiều biến chứng nguy hiểm

- Các biến chứng về thận

    +  THA làm hư màng lọc của các tế bào thận, khiến bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có); lâu ngày gây suy thận.

    +  THA còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất Renin làm huyết áp cao hơn. Hẹp động mạch thận lâu ngày gây suy thận.

- Các biến chứng về mắt

    +  THA làm hỏng mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại.

    +  THA còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

- Các biến chứng về mạch ngoại vi

    +  THA làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người.

   +  THA làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ (đau cách hồi).

Đại đa số các bệnh nhân bị cao huyết áp thường không có các dấu hiệu nào báo trước. Do đó, phải kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị cao huyết áp…) là hết sức cần thiết và quan trọng.

Đề phòng tăng huyết áp và biến chứng

- Biện pháp không dùng thuốc: áp dụng khi huyết áp tăng trên 120/80 mmHg nhưng dưới 160/90 mmHg.

   +  Cai thuốc lá.

   +  Cai bia rượu đối với người nghiện nặng, có thể uống dưới 30ml rượu mạnh, dưới 720 ml bia trong một ngày.

   +  Giảm ăn mặn, ăn ít hơn 4g muối mỗi ngày, ít hơn 1 muỗng cà phê muối, hoặc ít hơn 2 muỗng canh nước mắm hoặc nước tương.

   +  Chế độ ăn nhiều rau, ít trái cây, ít béo.

   +  Tập thể dục ít nhất 30-45 phút mỗi ngày và tập đều đặn 7 ngày một tuần.

   +  Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì.

Có lối sống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để đề phòng tăng huyết áp

- Dùng thuốc hạ huyết áp

Trong trường hợp sử dụng biện pháp không dùng thuốc mà vẫn chưa đạt được huyết áp mong muốn thì cần phối hợp thêm thuốc hạ huyết áp. Cần có ý kiến và chỉ định của thầy thuốc, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc sao chép đơn thuốc của người khác để tự điều trị.

- Điều trị đái tháo đường

Người bị tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch rất cao. Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 giúp giảm 24% nguy cơ biến chứng tim mạch. Mục tiêu HbA1C cần đạt ở người có nguy cơ tim mạch cao, đã từng bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não là dưới 7%.

- Rối loạn lipide máu

Người bị tăng huyết áp có kèm rối loạn chuyển hóa lipid nếu không được điều trị tốt cả 2 bệnh này thì nguy cơ biến chứng tim mạch tăng rất cao. Ngược lại, nếu điều trị bệnh tốt thì cứ giảm được 10% trị số huyết áp và 10% cholesterole toàn phần sẽ giúp giảm tới 45% nguy cơ bị tử vong do biến chứng tim mạch.

Cần lưu ý, sau một thời gian điều trị huyết áp đã ổn định, đạt huyết áp mục tiêu thì không nên tự ý dừng thuốc mà duy trì điều trị theo liều lượng được điều chỉnh bởi thầy thuốc. Chỉ ngừng thuốc khi có ý kiến chỉ định của thầy thuốc.

 

 

Ý kiến bạn đọc