CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

LƯU Ý VỚI CHẤN THƯƠNG MẮT Ở TRẺ

Ngày 27 / 11 / 2017
|
Y học thường thức

Chấn thương mắt ở trẻ thường gặp: rách giác mạc, rách kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù lòa... trường hợp gây nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong.

Ngày 12/11/2017, Khoa Mắt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhi Nông Thị Bảo A (11 tháng tuổi, địa chỉ xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng) nhập viện trong tình trạng mắt phải sưng nề, đỏ; được chẩn đoán xước giác mạc mắt phải. Sáng cùng ngày, bé chơi đùa tự ngã vào thanh sắt khiến mắt phải sưng đau. Trẻ được gia đình đưa cháu đến trạm y tế xã sơ cứu ban đầu rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Cháu Bảo A đang chơi đùa một mình thì tự ngã vào thanh sắt

Chấn thương mắt ở trẻ chơi rất dễ xảy ra trong sinh hoạt, cần được xử lý nghiêm ngặt vì vết thương hở từ các vật đâm xuyên mắt có thể nhanh chóng dẫn tới nhiễm trùng đe dọa thị lực, thậm chí tính mạng. Sơ cứu đúng cách và kịp thời giúp gia tăng cơ hội bảo tồn thị lực cho trẻ.

Dấu hiệu nhận biết

Khi trẻ bị các dị vật nhỏ hay các loại dịch rơi vào mắt khiến bé cảm thấy khó chịu hoặc đau nhức, mắt sẽ bị đỏ hoặc trẻ nhắm nghiền mắt; nhưng không phải bất cứ khi nào trẻ cũng có thể nói cho biết về vấn đề ở mắt. Nếu có những biểu hiện sau, hãy nghĩ ngay tới trẻ bị chấn thương ở mắt:

- Trẻ kêu đau nhức bên trong hoặc xung quanh mắt.

- Nước mắt chảy giàn giụa.

- Khó cử động mắt.

- Dùng tay che một bên hoặc hai bên mắt.

- Một mắt trông khác với mắt bên kia.

- Thị lực đột nhiên giảm.

- Rách da ở mi mắt hoặc xung quanh mắt.

- Có máu bên trong mắt.

- Xuất hiện vết bầm dập trên mắt hoặc quanh mắt.

- Không chịu được ánh sáng chói.

Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có nghi ngờ bị chấn thương mắt

Nghi ngờ trẻ bị chấn thương mắt, cha mẹ phải đưa con đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất, kể cả tổn thương có vẻ không nghiêm trọng. Một số chấn thương mắt mức độ nặng có thể không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu. Việc xử lý chậm có thể khiến tổn thương trở nên nặng hơn, gây mất thị lực vĩnh viễn.

Cách xử trí khi trẻ bị chấn thương mắt

Các chấn thương nhỏ và nông thường không cần điều trị, vết thương sẽ lành sau 48 giờ. Chỉ cần không để trẻ sờ mó hoặc dụi mắt và không băng ép mắt vì có thể khiến tổn thương trở nên nặng hơn. Nếu sau 48 giờ tình hình không tốt lên thì cần đi khám bác sĩ.

      -   Trường hợp có vết đâm xuyên, không được cố lấy vật nhọn ra.

     -   Không bôi bất kì thuốc nào vào mắt. Những thuốc này có thể không phù hợp, khiến mắt trở nên trơn nhầy, gây khó khăn cho việc thăm khám của bác sĩ.

     -   Khi trẻ bị đau mắt dữ dội, dai dẳng, thị lực giảm, chảy máu bên trong mắt, đau mắt khi ra ngoài ánh sáng, vết rách sâu quanh mắt,… cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám ngay để có phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp, tránh để lại những hậu quả xấu cho trẻ.

Phòng ngừa chấn thương mắt cho trẻ

    -   Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tránh các đồ chơi có góc nhọn như cung tên, phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả…

    -   Kiểm soát trẻ khi chơi các trò chơi hay đồ chơi có thể gây nguy hiểm.

    -   Hướng dẫn trẻ cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo…

    -   Che chắn an toàn các góc nhọn của đồ dùng: bàn, tủ,...

    -   Khóa chặt mọi ngăn kéo và cửa tủ mà trong tầm với của trẻ.

    -   Để các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình ngoài tầm với của trẻ.

 

Ý kiến bạn đọc