Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại từ công tác nghiên cứu khoa học vào thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Chị Nông Thị H. (ở xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng) bị sỏi mật cách đây nhiều năm, đã trải qua 2 lần phẫu thuật bằng phương pháp truyền thống, phải chịu nhiều đau đớn, mất nhiều thời gian hồi phục sức khoẻ. Lần này, sỏi mật tái phát, chị H được các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hoá BVĐK điều trị bằng phương pháp tán sỏi mật qua da bằng laser. Chị H cho biết: Những lần mổ sỏi trước, vết mổ dài gây nhiều đau đớn, phải mất gần 2 năm tôi mới có thể đi làm việc được. Lần này vào viện được điều trị bằng phương pháp mới, vết mổ nhỏ, ít đau, nên chỉ sau 1 ngày tôi đã có thể ngồi dậy, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Tôi rất vui mừng vì được điều trị bằng phương pháp hiện đại ngay tại tỉnh.
Bác sĩ CKI Lý Kiên Trung - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK cho biết: Xuất phát từ thực tế trên địa bàn tỉnh có nhiều người bệnh sỏi mật, phương pháp phẫu thuật truyền thống không lấy được hết sỏi, vết sẹo mổ dài, gây nhiều đau đớn. Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật tán sỏi qua da bằng laser vào điều trị cho người bệnh. Đây phương pháp điều trị sỏi mật hiện đại, giúp lấy được hết sỏi trong đường mật, giảm tỉ lệ sỏi tái phát, bệnh nhân ít đau, thời gian nằm viện ngắn, nâng cao chất lượng điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của các bác sĩ BVĐK
Trước thực trạng phương pháp điều trị truyền thống đối với bệnh nhân còn nhiều hạn chế, các bác sĩ BVĐK đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại vào thực tiễn điều trị cho bệnh nhân ở nhiều chuyên khoa, giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tỉnh, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, đem lại kết quả cao trong điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Vi Hồng Đức, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh – Lồng ngực, BVĐK cho biết: từ thực tế tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị xẹp đốt sống do loãng xương, gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống. Chúng tôi đã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống điều trị xẹp đốt sống cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật tiên tiến hiện đại, ít xâm lấn, sau can thiệp, người bệnh giảm các cơn đau nhanh chóng, trở lại sinh hoạt bình thường, phù hợp với đặc tính sinh học của cơ thể và giúp thân đốt sống bền vững.
Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở
Trong 2 năm trở lại đây, BVĐK đã và đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 60 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở được nghiệm thu, trong đó 8 đề tài, sáng kiến được xếp loại Xuất sắc. Các đề tài, sáng kiến có nhiều kỹ thuật điều trị mới được ứng dụng lần đầu trong Bệnh viện cũng như ngành Y tế tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị, nâng cao uy tín, chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân.
Bác sĩ CKII Trần Mậu Việt - Phó Giám đốc BVĐK cho biết: thời gian qua, Bệnh viện đã ứng dụng rất nhiều kỹ thuật hiện đại vào chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Trong đó có những bệnh lý trước đây phải chuyển tuyến thì nay đã thực hiện được tại Bệnh viện, giúp giảm chi phí cho người bệnh, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Năm 2024, BVĐK đã nghiệm thu 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, đang thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Tổ chức xét duyệt và nghiệm thu 22 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Ứng dụng trên 80% các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở vào thực hiện công tác chuyên môn trong Bệnh viện.
Từ những kết quả trên cho thấy công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát huy hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Qua đó, góp nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân.
Phòng Công tác xã hội