Nếu như trước đây những người mắc bệnh mạch vành phải chuyển tuyến trên điều trị, một số trường hợp nhồi máu cơ tim cấp không kịp can thiệp trong khoảng thời gian vàng dẫn đến di chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong còn cao thì hiện nay với trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ được đào tạo bài bản, nhận chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện được kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành. Nhờ đó người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên, giảm bớt thời gian, chi phí điều trị, đặc biệt là tận dụng được thời gian vàng trong bệnh lý nhồi máu cơ tim, giúp giảm biến chứng nặng và tử vong ở người bệnh.
Ca can thiệp mạch vành cho bệnh nhân Dương Văn Mai
Bệnh nhân Dương Văn Mai (84 tuổi, ở phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn) vào viện do đau thắt ngực, khó thở. Người bệnh có tiền sử cao huyết áp, suy tim, hẹp 3 thân động mạch vành, đã can thiệp đặt 2 stent trước vào viện hơn 1 tháng. Bệnh nhân được chẩn đoán hẹp mạch vành, tăng huyết áp, suy tim và có chỉ định chụp can thiệp, đặt stent mạch vành qua da trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nên DSA. Sau khoảng 1 giờ thực hiện can thiệp, bệnh nhân ổn định, không còn cảm giác đau thắt ngực, có thể nói chuyện bình thường.
Bệnh nhân Mai cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, tôi bị lên cơn đau tim, được cấp cứu xuống Hà Nội, đã đặt 2 stent mạch vành và được bác sĩ dưới Hà Nội hẹn sau 1 tháng quay lại đặt thêm 1 sten nữa. Được biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh giờ cũng đã thực hiện được kỹ thuật can thiệp mạch vành mà lại có trang thiết bị hiện đại nên tôi rất yên tâm, tin tưởng và quyết định đặt stent thứ 3 tại Bệnh viện tỉnh. Hôm nay được thực hiện can thiệp tại Bệnh viện tôi thấy rất thoải mái,phấn khởi, con cái đi lại chăm nom thuận tiện, các bác sĩ phục vụ rất tận tâm, chu đáo. Chất lượng chuyên môn và phục vụ của Bệnh viện tỉnh ta tốt quá”.
Bệnh nhân Dương Văn Mai sức khỏe ổn định sau khi thực hiện can thiệp
Từ đầu năm 2020, Bệnh viện khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, đến nay đã có gần 40 bệnh nhân được chụp DSA, trong đó có 3 bệnh nhân được can thiệp đặt stent động mạch vành qua da thành công. Kỹ thuật này đã giải quyết tình trạng hẹp tắc trong động mạch vành, giúp tưới máu cho cơ tim tốt hơn do đó cho phép bệnh nhân có thể hoạt động trở lại mà không xuất hiện cơn đau thắt ngực sau khi được can thiệp.
Để triển khai kỹ thuật cao này, ngoài việc được trang bị hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA hiện đại, trước đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng đã cử kíp bác sỹ đi đào tạo tại Bệnh viện Tim Hà Nội về kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành. Đồng thời, được các bác sỹ Viện Tim Hà Nội trực tiếp chuyển giao kỹ thuật theo Đề án bệnh viện vệ tinh. Đến nay các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã dần làm chủ kỹ thuật này.
Hình ảnh động mạch vành trước và sau can thiệp
Tiến sĩ Hoàng Văn – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội, người trực tiếp về chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK cho biết: “Với hệ thống máy DSA hiện đại cùng đội ngũ bác sỹ được đào tạo bài bản tại Bệnh viện Tim Hà Nội,các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnhLạng Sơn đã tiếp nhận tốt kỹ thuật này. Các ca bệnh đã được chụp và can thiệp đều có kết quả rất tốt. Việc thực hiện được kỹ thuật này đánh dấu bước phát triển mới của Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, vừa giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên,đặc biệt là tận dụng được thời gian vàng trong bệnh lý nhồi máu cơ tim, giúp giảm tỉ lệ tai biến và tử vong ở người bệnh”.
Việc triển khai kỹ thuật cao này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tạo thuận lợi cho người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giúp giảm chuyển tuyến trên, giảm chi phí và thời gian điều trị. Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo và nhận chuyển giao các kỹ thuật hiện đại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân tỉnh nhà.