CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

CÁCH NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG BỆNH CÚM MÙA CHO TRẺ VÀO MÙA ĐÔNG XUÂN

Ngày 13 / 03 / 2023
|
Y học thường thức

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Cần chú ý các triệu chứng của cúm mùa để điều trị kịp thời và phòng bệnh cho trẻ trong mùa đông – xuân.

Cúm mùa là bệnh thường có tiến triển lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch… nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Triệu chứng cúm mùa ở trẻ và diễn biến của bệnh

Bệnh cúm mùa thường dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng của bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn.

Ở trẻ em khoảng 2 ngày sau khi tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thể là:

-Những cơn sốt bắt đầu xuất hiện;

- Có cảm giác ớn lạnh

- Nhức đầu, Đau nhức cơ bắp, Chóng mặt

- Ăn không ngon, Mệt mỏi, Cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực

- Ho, đau họng, Chảy nước mũi, Đau tai

- Buồn nôn hoặc tiêu chảy.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất, nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Trên thực tế, bệnh cúm ở trẻ thường lành tính, tuy nhiên bệnh cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc, viêm phổi… Đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi, khi hệ miễn dịch còn yếu, sức đề kháng kém và có bệnh lý nền kèm theo, nếu bị cúm có thể dẫn đến biến chứng.

Điều trị cúm mùa ở trẻ

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp, trong đó nguyên tắc chung là nếu nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.

Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.

Tại cơ sở y tế bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus, cần dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.

Với cúm chưa biến chứng: Có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.

Với bệnh cúm có biến chứng: Cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.

Cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau:

 - Sốt cao (trên 38.5 độ C) và liên tục (trên 3 ngày), trẻ được dùng thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt.

 - Trẻ bỏ ăn, bỏ uống nhiều ngày, hay nôn. 

- Nghẹt mũi kéo dài (trên 14 ngày) hoặc không thuyên giảm.

- Khó thở, thở nhanh. 

- Li bì, bị kích thích, co giật.

 - Đau tai, trong tai có mủ. 

- Đau mắt, mắt đỏ, có gỉ vàng.

Cách phòng bệnh cúm mùa cho trẻ

Bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa đông xuân và xảy ra hàng năm, các chủng virus cúm cũng thay đổi mỗi năm. Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh cúm, khi mắc bệnh, trẻ thường bị lâu hơn so với người lớn. Vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh chung thường được khuyến cáo là:

- Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra ngoài, khi tiếp xúc với người khác, nhất là người bệnh nghi nhiễm cúm.

- Tăng cường rửa tay; Vệ sinh hô hấp.

- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

- Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm.

Ý kiến bạn đọc