Khuyết hổng phần mềm vùng cẳng chân là một tổn thương thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, khuyết hổng phần mềm do gãy xương hở vùng cẳng chân có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp như thiểu dưỡng, hoại tử vùng chi gãy, nhiễm trùng, viêm xương, loét, dò mãn tính, chậm liền, khớp giả, mất chức năng chi, và nguy cơ cắt cụt chi.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK), các phương pháp điều trị khuyết hổng phần mềm được sử dụng như ghép da tự do, trám một phần cơ vào ổ khuyết sau đó vá da tem thư thì 2. Các phương pháp trên tuy đáp ứng được yêu cầu che phủ phần mềm nhưng lại không che phủ được những khuyết hổng có kích thước lớn lộ gân xương. Hiện tại, khoa Chấn thương - Bỏng nghiên cứu và áp dụng phương pháp chuyển vạt da cân hiển ngoài để điều trị các thương tổn mà các phương pháp trên không đáp ứng được yêu cầu điều trị.
Vết thương loét tổ chức phần mềm trước và sau phẫu thuật
Năm 2014, các bác sĩ Khoa Chấn thương được chuyên gia của Viện bỏng quốc gia chuyển giao kỹ thuật chuyển vạt da cân hiển ngoài điều trị các khuyết hổng phần mềm vùng cẳng . Hiện nay, kỹ thuật này đã được ứng dụng thành công, phát huy hiệu quả trong điều trị di chứng sẹo bỏng co kéo vùng cổ chân và các loại sẹo loét lộ gân xương vùng cẳng chân. Tùy theo kích thước của tổn thương, kíp phẫu thuật sẽ thiết kế vạt cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể (thông thường thiết kế vạt da có hình dạng cây vợt tennis). Kết quả chi thể phục hồi cả về mặt hình thái và chức năng. Đến nay, Khoa đã điều trị thành công cho 20 bệnh nhân.
Trước đây, các trường hợp tổn thương phần mềm vùng cẳng chân thường phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Hiện nay, BVĐK đã triển khai kỹ thuật chuyển vạt, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí. Việc học tập, tiếp nhận kỹ thuật cao từ bệnh viện tuyến Trung ương góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của Bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân tỉnh nhà.
Ths.Bs Vi Hồng Đức - Ths.Bs Trần Tuấn Việt