Hiện nay bệnh thủy đậu bắt đầu xuất hiện, đang có xu hướng gia tăng và có thể lây lan thành dịch tại các khu vực dân cư đông đúc như nhà trẻ, trường học … Để chủ động phòng tránh người dân cần có những kiến thức, kỹ năng phòng tránh bệnh thủy đậu.
1. Nguyên nhân gây bệnh và các dấu hiệu của bệnh
- Thủy đậu (hay còn gọi là phỏng rạ, trái rạ) là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây nên. Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.
- Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm, cao điểm là vào mùa đông-xuân hàng năm.
- Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh xảy ra ở người lớn thường nặng hơn trẻ em.
- Bệnh có thể bùng phát thành các vụ dịch lớn nhỏ ở nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.
- Ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt cao trên 38 độ C, không chịu bú, ngủ li bì, mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc và có thể xuất hiện ho. Các triệu chứng thủy đậu ở người lớn cũng giống trẻ nhỏ như mệt mỏi, đau cơ, sốt, ho, sổ mũi và có thể nặng hơn.
- Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt phỏng”. Đây là những nốt tròn nhỏ thường bắt đầu xuất hiện ở vùng đầu, các chi và lan nhanh ra toàn thân chỉ trong 12-24 giờ, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Các nốt phồng rộp có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Nếu gãi, ngón tay có thể gây vỡ các mụn nước tạo thành các vết trầy xước, vết loét dẫn đến nhiễm trùng. Nếu được chăm sóc tốt, các mụn nước sẽ rỉ dịch, tạo thành vảy và bắt đầu lành lại. các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.
[[{"fid":"5673","view_mode":"default","fields":{"format":"default","field_file_image_alt_text[und][0][value]":"","field_file_image_title_text[und][0][value]":""},"type":"media","attributes":{"style":"width: 500px; height: 707px;","class":"media-element file-default"},"link_text":null}]]
2. Phương thức lây truyền
- Bệnh dễ lây lan trong cộng đồng, Virút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em.
- Một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu chúng ta không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu như: bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
3. Biến chứng của bệnh
Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như : viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
4. Chế độ dinh dưỡng khi mắc bệnh thuỷ đậu
Thực phẩm nên dùng:
Khi mắc bệnh thủy đậu người bệnh nên dùng các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C như các loại quả, nước ép: cam, chanh, bưởi, kiwi, lê, dưa hấu, dưa leo. lượng vitamin C có trong các loại quả này có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng, tái tạo sản sinh ra lượng collagen, phòng ngừa sẹo lõm do bệnh thủy đậu gây ra.
Ngoài ra người bệnh nên sử dụng các thực phẩm lành tính, thanh đạm, thức ăn dưới dạng lỏng và dễ tiêu hóa như cháo đậu xanh, cháo gạo lứt, măng tây, chuối, đậu xanh, đậu đỏ, khoai tây, cà rốt,.... hoặc các loại rau như rau ngót, rau sam, mướp đắng, cải thảo…các loại sữa.
Sau khi bệnh thủy đậu được điều trị và khỏi hẳn, các vết thương bắt đầu lên da non thì người bệnh có thể sử dụng nghệ tươi để điều trị sẹo. Cách làm như sau: Rửa sạch nghệ và cạo nhẹ lớp vỏ bên ngoài, giã nhỏ và vắt lấy nước cốt, người bệnh thoa nước cốt nghệ xung quanh các vết sẹo mỗi ngày trước khi đi ngủ, để qua đêm và rửa sạch vào sáng hôm sau, tiếp tục kiên trì bôi các lớp khác đến khi khỏi hẳn.
Đối với trẻ em đang bú mẹ cần cho bú nhiều hơn, trẻ lớn cần ăn uống đủ chất, phù hợp với lứa tuổi
Thực phẩm không nên dùng (kiêng)
Trong lúc bị bệnh, nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, tránh ăn thức ăn nóng, các loại gia vị cay nóng như: gừng, hành, tỏi, hành tây, tỏi tây, ớt, hạt tiêu, thì là, rau mùi, các loại thịt như thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, ngỗng, lươn, các loại hải sản (tôm, cua, sò, ốc…), quả vải, nhãn, mận, xoài chín, mít, rau muống, các thực phẩm nhiều béo như hạt dẻ, đậu phụng rang, hạt dưa rang, đậu chiên, các loại bánh rán, các thức ăn chiên xào, mỡ động vật…
Kỵ nhất là nhục quế, vì nhục quế có tính đại nhiệt, thuần dương, tác dụng ôn nhiệt trợ hỏa, rất nguy hiểm cho bệnh nhân thủy đậu.
5. Cách phòng bệnh
Để chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng nhiễm thủy đậu.
2. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
3. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
4. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
5. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
6. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn điều trị, không tự ý mua thuốc tự điều trị.
LƯU Ý:
- KHÔNG kiêng tắm: Vì trên da có rất nhiều vi khuẩn sống cộng sinh, bình thường, chúng chung sống hòa bình với con người nhưng khi mắc thủy đậu, các nốt phỏng trên da hay ở niêm mạc có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, trẻ không chịu được sẽ gãi và làm trầy xước da. Khi đó nếu không được chăm sóc vệ sinh hay tắm rửa sạch sẽ, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua nốt phỏng bị vỡ gây nhiễm khuẩn tại chỗ, thậm chí viêm da nặng có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Do vậy, người bệnh thủy đậu cần tắm hàng ngày bằng nước sạch.
- KHÔNG kiêng gió, trùm kín: Như vậy sẽ làm da không được thoáng khí, có thể làm bệnh nặng hơn, lại chà xát với quần áo làm các nốt mụn nước dễ vỡ ra.
- KHÔNG dùng nước lá, rễ cây để uống hoặc tắm: Tắm lá cây có thể gây tổn thương và nhiễm trùng da, làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị bệnh.