CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

VIÊM DA TIẾP XÚC DO KIẾN BA KHOANG

Ngày 17 / 07 / 2020
|
Y học thường thức

Thời gian gần đây có rất nhiều người khi tiếp xúc với kiến ba khoang có biểu hiện ngứa, nổi bọng nước, viêm loét da, đau, ngứa rát… Dưới đây là thông tin về loại côn trùng gây bệnh này để mọi người biết cách xử trí và phòng tránh.

Vài nét về kiến ba khoang

Kiến ba khoang tên khoa học là Paederus fuscipes curtis (Staphylinidae, Coleoptera). Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1 - 1,2cm, ngang 2 - 3mm), có hai màu đỏ và đen, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong…

Kiến ba khoang

Loài kiến này có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh; cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng. Một đôi cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Ban ngày, kiến bò lê, hoặc bò nhanh ở quanh và giấu cánh tương tự như kiến. Khi bất thường, nó tăng kích thước phần bụng lên, có cử chỉ đe dọa như con bọ cạp và bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh trên nước.

Đây không phải là loại côn trùng mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu ở nước ta. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối hoặc dưới tán cây ở các bìa rừng, bãi rác thải, công trình đang xây dựng,... Chúng thường xuất hiện và phát triển vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các cơn mưa lớn đầu mùa, rất thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào đèn, vào nhà khi sáng đèn.

Độc tố gây viêm da

Theo các chuyên gia về côn trùng học, do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin (C24H43O9N, còn được gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) chứa trong một đôi tuyến ở phần cuối bụng với tác dụng bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài sinh vật khác tấn công để ăn trứng.

Sau những cơn mưa bị ngập nước không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn... Pederin có tính xuyên thấm qua da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng đó hoặc vô ý đập làm cho côn trùng chết trên da thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người gây bệnh ngay tại vùng da đó... Nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm độc tố pederin dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan rộng.

Biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân,... Kiến ba khoang có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng tùy theo độc chất pederin hiện diện trên cơ thể kiến xâm nhập qua da. Nếu tay bị dính chất độc pederin khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt, kết mạc, giác mạc, võng mạc... Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước ngoài da có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với độc tố pederin từ 12 - 36 giờ. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta thực hiện việc đập, giết và chà xát kiến trên da.

Tổn thương do kiến ba khoang

Biểu hiện khi bị viêm da do kiến ba khoang

Các bệnh nhân biểu hiện là vệt đỏ, phù có thể trên có mụn nước mụn mủ, vị trí tổn thương chủ yếu là vùng hở và bệnh nhân phần nàn xuất hiện sau khi ngủ dậy.

– Bệnh thường phát vào tháng 7 đến tháng 10, nghĩa là vào mùa mưa.

– Đại đa số bệnh nhân là người làm việc dưới ánh đèn, công tác văn phòng, học sinh.

–  Hơn 60% bệnh nhân phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng.

–  Đặc điểm lâm sàng:

+ 80% có tổn thương ở mặt, 1/2 thân mình.

+ 100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền hơi cộm theo chiều vệt tay dài 1-5cm rộng 3-10mm, trên đó có mụn nước và phỏng nước ở giữa, có vùng hơi lõm gợi hình một vật gì hình tròn hoặc bầu dục áp vào. 100% có cảm giác rát bỏng tại chỗ.

+ 20% trong 1-2 ngày đầu có cảm giác ngây ngất sốt, khó chịu mệt mỏi, nổi hạch đau vùng tương ứng.

+ 3,82% sưng vùng mi mắt.

+ Một số khác có hình tổn thương đối xứng (kissing lesion) ở hai bên bẹn hoặc kheo tay.

Điều kiện mắc bệnh và diễn biến tổn thương:

 – Vào mùa mưa ban đêm Paederus theo ánh đèn bay vào buồng làm việc, buồng ngủ, buồng tắm. Bệnh nhân làm việc, ngủ, tắm dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ mặt, phần hở thân mình vô tình dơ tay quệt, đập làm côn trùng có chứa chất pederin xiết lên da, hoặc côn trùng bám vào khăn mặt rơi vào bồn rửa, bệnh nhân không chú ý nên xát phải côn trùng lên da và gây viêm da phỏng nước.

– Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau đi lại khó.

– Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết xẫm màu, toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.– Có một số ít bệnh nhân chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng nước phỏng mủ.   

–  Trong một mùa mua bệnh nhân có thể bị 2-3 lần.

– Về xét nghiệm không có biến đổi gì đặc biệt. Trừ một số trường hợp tổn thương phỏng mủ rộng, sưng đau, sốt bạch cầu có thể cao. Hình ảnh tổ chức học chỉ là viêm da không đặc hiệu.

- Cần phân biệt với viêm da do nguyên nhan khác như  (hoá chất, sơn..) zona, viêm da tiếp xúc do lá cây (photophytodermatitis).

Điều trị

- Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxýt kẽm, mỡ kháng sinh.

- Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh chung, kháng Histamin tổng hợp, thuốc giảm đau có thể dùng corticoid bôi hoặc đường toàn thân.

- Trường hợp nhẹ bệnh có thể tự khỏi.

Phòng bệnh

- Khi làm việc dưới ánh đèn tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rôi vào cổ, mặt (khó thực hiện, vì đây là phản xạ…)

- Buổi tối khi tắm rửa chú ý giũ mạnh khăn mặt trước khi dùng.

- Vào mùa mưa đề phòng côn trùng bay vào nhà ta có thể xịt các thuốc diệt côn trùng không hại. 

- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối, xà phòng… để ngăn không nổi thành phỏng nước, phòng mủ. 

Không tự ý điều trị

Viêm da tiếp xúc liên quan đến côn trùng, nhất là do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở các vùng da hở, người bệnh thường có biểu hiện bỏng rát da, phồng rộp đã nhầm tưởng là bệnh zona nên tự đi mua thuốc điều trị. Đã có những người bôi thuốc acyclovir vào các vết dị ứng dẫn đến loét da, tổn thương da nặng, phải nhập viện điều trị. Nguy hiểm nhất là các đối tượng trẻ nhỏ bởi làn da của trẻ mỏng nên rất dễ bị tổn thương.

Trong trường hợp bị kiến ba khoang cắn, bò vào người mà lỡ tay đập chết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xà phòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất pederin xâm nhập; có thể rửa bằng thuốc tím sát trùng. Nếu vùng da đó bị phồng rộp, có biểu hiện viêm loét,… bà con phải đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc thích hợp, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố… nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng. Nếu điều trị đúng chỉ trong khoảng 1 tuần là khỏi. Nếu điều trị muộn hoặc sai, tổn thương sẽ lan rộng, gây loét da, việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn.

 

Bác sĩ Mông Tuấn Hùng – Khoa Da liễu

Ý kiến bạn đọc