CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

THOÁI HÓA KHỚP – NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU, CÁCH PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Ngày 15 / 09 / 2021
|
Y học thường thức

Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị hư hại, tổn thương. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, biểu hiện thường là đau lưng, đau gối, đau háng, đau tăng lên khi vận động, đứng lên, ngồi xổm, đi lại... Đây là bệnh liên quan chặt chẽ với độ tuổi, gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tàn tật. Dưới đây là nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng và điều trị thoái hóa khớp.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp:

Nguyên nhân nguyên phát

Thoái hóa khớp xảy ra liên quan đến độ tuổi. Hàm lượng nước trong sụn khớp tăng dần theo tuổi tác, điều này là hàm lượng và chất lượng Protid trong sụn giảm dẫn đến việc sụn khớp bắt đầu thoái hóa. Vận động trong thời gian dài khiến phần sụn này bị tổn thương, gây nên tình trạng nứt, bong thậm chí là tiêu biến sụn, gia tăng ma sát giữ khớp gây nên đau và thoái hóa.

Nguyên nhân thứ phát

- Di truyền: Tình trạng này xảy ra ở một số đối tượng có khiếm khuyết di truyền ở những gen có chức năng hình thành sụn. Việc này dẫn đến hao hụt ở sụn khớp, đẩy nhanh tình trạng thoái hóa.

- Béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ thoái hóa ở khớp gối, hông và cột sống. Vì vậy việc duy trì chỉ số cơ thể hoặc giảm cân để về trọng lượng lý tưởng giúp ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa cũng như làm giảm tốc độ tiến triển khi bệnh bắt đầu hình thành.

- Chấn thương:  Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tình trạng viêm khớp thoái hóa.

- Sử dụng khớp quá nhiều với tần suất cao: Lạm dụng một số khớp nhất định làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp. Ví dụ, với những người thường xuyên làm việc nặng nhọc về tay chân như bốc vác, làm việc thủ công đòi có nguy cơ phát triển thoái hóa khớp cổ tay, cổ chân cao hơn.

- Ảnh hưởng bởi những bệnh xương khớp khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp. Ngoài ra, một số tình trạng hiếm gặp, chẳng hạn như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng, làm tăng cơ hội phát triển bệnh.

Các vị trí thoái hóa khớp thường gặp:

- Thoái hóa đốt sống cổ: Thoái hóa đốt sống cổ gây đau cổ hoặc thắt lưng. Các gai xương hình thành dọc theo cột sống khớp (gai cột sống) có thể kích thích các dây thần kinh cột sống, gây đau dữ dội, tê và ngứa ran ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể.

- Thoái hóa khớp gối: là tình trạng thường gặp nhất, xảy ra khi lớp sụn bao bọc khớp gối bị hao mòn, rách hoặc tiêu biến. Phần xương khớp gối không còn được lớp sụn bảo vệ chà xát lên nhau gây đau đớn, viêm sưng hạn chế trong di chuyển.

- Thoái hoá khớp háng: Ở giai đoạn đầu của bệnh thường khó chẩn đoán vì cơn đau có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau, bao gồm háng, đùi, mông hoặc đầu gối. Cơn đau có thể nhói và buốt hoặc có thể đau âm ỉ và phần hông thường cứng.

- Thoái hóa khớp cùng chậu: Các triệu chứng dễ gặp nhất khi bị viêm khớp cùng chậu thường là đau thắt lưng, hông, cảm giác tê bì chân khi ngồi lâu một tư thế, mệt mỏi. Viêm thoái hóa khớp cùng chậu là tình trạng viêm khớp, sưng đau ở khớp nối xương cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và xương cánh trên. Người bệnh có thể bị ở 1 khớp hoặc cả 2 khớp cùng chậu.

- Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay: thường gặp ở người lớn tuổi. Lúc này, lượng máu được cung cấp để nuôi dưỡng vùng khớp nói chung và khớp bàn tay, ngón tay bị suy giảm gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở các sụn, giảm sức chịu lực trước tác động liên tục và hàng ngày lên khớp.

- Thoái hóa khớp cổ chân: viêm khớp thoái hóa cổ chân thường hay thường gặp ở người trên 40 hoặc có công việc sử dụng nhiều đến cổ chân như vận động viên, cầu thủ bóng đá… Bệnh tiến triển chậm, với các triệu chứng ban đầu mơ hồ, khó nhận biết. Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ chân, cảm giác nặng nề và kém linh hoạt khi vận động. Những cơn đau nhói đến khi người bệnh gắng sức hoặc tác động trực tiếp vào vùng khớp bị tổn thương.

Các triệu chứng của thoái hoá khớp

Triệu chứng sớm nhất của bệnh là đau khi vận động, mới đầu chỉ đau khi khớp hoạt động, nghỉ sẽ hết đau; sau đó có thể đau âm ỉ liên tục và đau trội hẳn lên khi vận động.

- Nếu thoái hóa khớp háng, người bệnh đau ở vùng bẹn, vùng trước trong đùi, có thể đau cả vùng mông lan xuống mặt sau đùi, người bệnh đi khập khiễng, giạng háng khó khăn, khó gập đùi vào bụng.

- Nếu thoái hóa khớp gối, người bệnh đau nhiều khi đi lại, đứng lên ngồi xuống khó khăn, nhất là lúc lên xuống thang gác hoặc đang ngồi xổm đứng lên, có khi đau quá bị khụy xuống đột ngột; các động tác gấp và duỗi thẳng chân bị hạn chế, đứng lên ngồi xuống khó khăn, có thể thấy tiếng lắc rắc khi vận động khớp.

- Nếu thoái hóa cột sống thắt lưng, người bệnh bị đau âm ỉ ở vùng thắt lưng và thường đau trội lên về chiều sau một ngày làm việc phải đứng nhiều hay lao động nặng, lúc nằm nghỉ đau sẽ giảm. Khi đau, bệnh nhân làm các động tác cúi, nghiêng, ngửa hoặc xoay người rất khó khăn. Sau triệu chứng đau là tình trạng hạn chế vận động.

- Nếu bị thoái hóa khớp vai sẽ hạn chế các động tác đưa tay ra trước, ra sau, quay tay và không làm được một số động tác đơn giản như gãi lưng, chải đầu...

Ngoài hai triệu chứng chính là đau và hạn chế vận động, người bệnh có thể bị teo cơ, nhất là các chi.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Trong suy nghĩ của nhiều người, đây là căn bệnh của người già. Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể bắt đầu vào giai đoạn lão hóa, tuy nhiên với xu hướng ngày càng trẻ hóa, căn bệnh viêm xương khớp này ngày càng phổ biến ở nhiều nhóm đối tượng như:

- Người lớn tuổi;

- Người làm việc tay chân ở mức độ thường xuyên và liên tục;

- Người tập luyện thể thao ở cường độ cao và có tiền sử chấn thương;

- Người có các dị dạng bẩm sinh hoặc biến dạng thứ phát sau khi gặp chấn thương;

- Người thừa cân, béo phì.

Phòng và điều trị thoái hóa khớp

Để phòng bệnh thoái hóa khớp, người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện…). Nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi… hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức. Chú ý kiểm tra sức khỏe thường xuyên để hạn chế các ảnh hưởng quá mức đối với các khớp liên quan. Tránh các tư thế xấu như ngồi còng lưng.

Tập dưỡng sinh và luyện thở: Tập dưỡng sinh có rất nhiều động tác ảnh hưởng đến cột sống như ưỡn người, vặn cột sống, chào mặt trời... khi thực hiện các động tác này cần phải được kết hợp với phương pháp hít thở sâu thì tuần hoàn mới được tăng cường, giúp khí huyết lưu thông sẽ đỡ đau.

Dinh dưỡng hợp lý: Tránh tình trạng béo phì. Tiết giảm các chất béo (dầu, mỡ các loại), chất ngọt như kẹo, bánh, chè, mứt, trái cây quá chín ngọt như xoài, nhãn, vải, các loại thức uống ngọt. Rượu và thuốc lá có thể gây bệnh cho khớp háng (hoại tử đầu xương đùi) rất nguy hiểm. Bảo đảm bổ sung những chất chống lão hóa như vitamin E, A, (dầu thực vật, các loại đậu hạt, ngũ cốc), canxi có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, nghêu, sò, ốc, hàu... ; Vitamin C (cam, quýt, bưởi, dâu tây, ớt, cà chua...), các khoáng chất vi lượng như selenium, kẽm, magnesium..

Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp.

Giảm cân: thừa cân hoặc béo phì làm cho tình trạng viêm xương khớp trở nên tồi tệ hơn. Để biết bạn có thừa cân hay béo phì hay không, bạn có thể sử dụng các công cụ tính trọng lượng phù hợp. Nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì, hãy cố gắng giảm cân bằng việc tham gia các hoạt động thể chất và có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.

Tránh chấn thương: bị chấn thương khớp khi còn trẻ có thể dẫn đến thoái hóa khớp cùng khớp khi lớn tuổi. Do vậy nên tránh chấn thương khớp khi tập thể dục hoặc chơi thể thao.

Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân thoái hóa khớp như: Tiêm nội khớp huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm nội khớp tế bào gốc từ mô mỡ tự thân hay phẫu thuật thay khớp (thường là khớp háng và khớp gối) trong trường hợp thoái hóa nặng và mất chức năng của khớp. Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp, đặc biệt là phương pháp phẫu thuật thay khớp háng và khớp gối nhân tạo đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn giúp người bệnh thoát khỏi cơn đau do thoái hóa khớp, trở lại vận động, sinh hoạt bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Ý kiến bạn đọc