CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

CÁCH CHĂM SÓC TRẺ TRƯỚC VÀ SAU TIÊM VẮC-XIN PHÒNG COVID-19

Ngày 20 / 04 / 2022
|
Y học thường thức

Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng nguy hiểm của Covid cũng như góp phần tạo miễn dịch cộng đồng đặc biệt là đối với nhóm trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm, việc chăm sóc đúng cách của phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy chăm sóc trẻ trước, trong và sau khi tiêm vắc xin như thế nào?

1. Trước khi tiêm vắc xin Covid cho trẻ cần lưu ý những gì? 

Trước hết, các bậc cha mẹ nào nên khuyến khích và đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid đúng hẹn đồng thời tiêm đủ 2 liều sớm nhất có thể. Để trẻ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, ba mẹ cũng cần tìm hiểu thật kỹ những thông tin liên quan đến vấn đề này. 

Tùy vào cơ địa của mỗi trẻ mà phản ứng sau tiêm cũng sẽ khác nhau. Trong đó, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ trong 24 - 48 giờ đầu được xem là phản ứng bình thường cho thấy cơ thể đang bắt đầu tạo “hàng rào” miễn dịch bảo vệ.

Nên cho trẻ ăn gì trước khi tiêm?

Trước khi tiêm, cha mẹ cần chuẩn bị một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tốt nhất cho con. Hãy cho trẻ ăn uống bình thường, bổ sung nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc hay chất béo lành mạnh vào thực đơn dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cho trẻ uống đủ nước và uống thêm các loại nước ép, nước dừa hay sinh tố trái cây tuỳ vào sở thích của trẻ. 

2. Cần chuẩn bị gì trong khi tiêm?

Khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ cần thiết; động viên trẻ nhiều hơn, giúp trẻ giảm bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, cha mẹ và trẻ cũng cần thực hiện nghiêm 5K, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách an toàn khi đi tiêm.

3. Chăm sóc trẻ sau khi tiêm vắc xin phòng Covid

Sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 các bậc phụ huynh cần lưu ý nhắc nhở trẻ ở lại điểm tiêm để theo dõi trong vòng 30 phút. Trong khoảng thời gian này, nếu có dấu hiệu bất thường nào xảy ra cần phải báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời. 

Trong thời gian 7 ngày đầu tiên sau khi tiêm là thời điểm mà trẻ cần được theo dõi sát sao. Để tăng cường hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng cho trẻ trong giai đoạn này, ba mẹ cần lưu ý:

Cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng và ăn nhiều bữa, ăn lỏng giúp dễ tiêu hoá; bổ sung nhiều rau xanh, trái cây cho con. Bên cạnh đó, bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch cũng là những thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất đặc biệt tốt cho sức khỏe của trẻ sau khi tiêm. Vệ sinh thân thể, răng, miệng, mũi họng cho trẻ sạch sẽ. Cần cho trẻ mặc đồ thoáng mát, ở phòng thoáng khí. Hướng dẫn trẻ nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng, hít thở sâu, đều. Không nên bắt trẻ đeo khẩu trang liên tục ngay cả trong nhà để tránh nguy cơ khó thở.

Cần tránh sử dụng thực phẩm gây khó tiêu như phomai, đồ ăn chiên rán và chứa nhiều đường. Bên cạnh đó, đồ uống có gas hay cà phê cũng nên hạn chế để không gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. 

Sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19, một số trẻ có thể có biểu hiện đau tại chỗ tiêm và sốt. Đây là phản ứng bình thường chứng tỏ đáp ứng miễn dịch của trẻ với vắc-xin. Phụ huynh không nên quá lo lắng bởi đa phần các triệu chứng này sẽ giảm và tự khỏi sau một thời gian theo dõi.

Đối với trường hợp trẻ sốt nhẹ, theo dõi nhiệt độ của trẻ và dùng biện pháp hạ nhiệt không cần thuốc như chườm ấm. Chỉ dùng thuốc paracetamol khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C với liều 10-15 mg/kg/lần. Mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ.

Ngoài ra, có thể cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước điện giải oresol pha theo thể tích quy định. Có thể dùng thêm các vitamin 3B, C, kẽm… dạng bào chế thích hợp với trẻ tùy độ tuổi.

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc

- Phụ huynh tuyệt đối không được dùng các loại thuốc khác như kháng sinh, kháng viêm… cho trẻ. Không áp dụng các phương pháp

- Đối với thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol hiện có nhiều dạng bào chế, cần lựa chọn dạng thuốc phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Không dùng quá liều chỉ định và tuyệt đối không dùng đồng thời paracetamol với các loại thuốc hạ sốt khác như ibuprofen, aspirin...

Những phản ứng sau tiêm của trẻ đa phần là những phản ứng thông thường và sẽ hết sau 24 - 48 giờ. Nếu Sau khoảng 24 – 48 giờ, những triệu chứng trên vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, kéo theo đó là sự xuất hiện của phát ban, tê môi/lưỡi, khói thở, cứng họng,... thì hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm khi xảy ra.

Mong rằng qua bài viết này, các bậc phụ huynh đã có thêm kiến thức cơ bản để chăm sóc tốt cho trẻ khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

 

Dương Thần Trưởng - Phòng Quản lý chất lượng

Ý kiến bạn đọc