CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH SÁN LỢN Ở NGƯỜI

Ngày 21 / 03 / 2019
|
Y học thường thức

Từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận điều trị 4 trường hợp bệnh nhân nhiễm sán lợn. Người bị nhiễm sán lợn có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Sán lợn là gì?

Sán lợn (sán dây lợn) là một bệnh nằm trong hệ thống các bệnh ký sinh trùng lây truyền giữa động vật và người, trong đó, lợn mang ấu trùng sán lợn đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh. Sán dây lợn gây bệnh lợn gạo, khi người ăn phải trứng hoặc ấu trùng sán lợn sẽ mắc bệnh và có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân mắc bệnh sán lợn ở người

Người mắc bệnh sán lợn do nguyên nhân chính là ăn phải thực phẩm, rau, quả, nước bị nhiễm trứng sán lợn, nhất là ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi hoặc ăn phải ấu trùng sán lợn có trong thịt lợn bị nhiễm sán, do ăn các loại thức ăn chưa được nấu chín (ăn tiết canh, nem chua, nem chạo…).

Đường đi của sán lợn vào cơ thể người như thế nào?

Khi người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh theo thực phẩm, rau quả, nước uống vào ruột non phát triển thành ấu trùng hoặc những người đang mắc sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Những đốt sán già, rụng ở ruột non theo nhu động ngược chiều lên dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, tại đây, trứng từ các đốt già được giải phóng ra và đi xuống tá tràng (có hàng nghìn ấu trùng thoát ra khỏi trứng) và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, tổ chức não, cơ tim… phát triển thành nang ấu trùng sán.

Thông thường, sau 24-72 giờ kể từ khi ăn phải ấu trùng, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ, sau 2 tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài (kích thước 17-20x7-10 mm), còn được gọi là gạo lợn, trong nang gạo lợn có dịch màu trắng, mẩu đầu sán với 4 giác và 2 vòng móc. Ấu trùng sán lợn có thể đi đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt, da và đặc biệt là não (chiếm 60-80% các trường hợp).

Biểu hiện của bệnh sán lợn

Người nhiễm bệnh sán lợn có thể có rất ít hoặc không có triệu chứng gì suốt trong nhiều năm liền. Ở da có các nang nhỏ bằng hạt đỗ đường kính khoảng từ 5 - 10mm, đôi khi lớn hơn, thường nổi ở mặt trong cánh tay nhưng có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào và có tính cách đối xứng. Các nang thường không đau, di động trên nền sâu, lặn dưới da. Khi xuất hiện ở não được biểu hiện như u trong não gây nên nhiều triệu chứng như động kinh, rối loạn vận động, rối loạn tâm thần, có thể bị liệt, thậm chí đột tử. Ở mắt, ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt. Nếu nang ấu trùng ở cơ tim sẽ gây nên tim đập nhanh, rối loạn nhịp, có thể bị ngất.

Để chẩn đoán bệnh sán lợn ở người, có thể chọc hút nang sán dưới da, xét nghiệm công thức máu, dịch não tủy (bạch cầu ái toan tăng), lấy máu làm phản ứng ELISA. Nếu có các biểu hiện thần kinh, cần chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) não.

Cách phòng bệnh sán lợn

- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh, sơ chế sạch trước khi nấu.

- Không sử dụng thịt lợn mắc bệnh để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, nấu chưa chín kỹ; các loại nem chua, tiết canh; không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh,…

- Vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

- Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có nhiễm sán dây lợn. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không được phóng uế bừa bãi.

Ý kiến bạn đọc