CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

BỆNH CHÂN TAY MIỆNG – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Ngày 21 / 06 / 2022
|
Y học thường thức

Chân tay miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

1. Bệnh chân tay miệng là gì? Các biến chứng gặp phải?

Bệnh chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch do virus đường ruột gây ra. Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

Bệnh chân tay miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao và khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Các biến chứng này bao gồm:

- Biến chứng về não bộ như: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,...

- Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch, có thể tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

2. Dấu hiệu bệnh chân tay miệng

- Giai đoạn khởi phát: Trong vòng 1 đến 2 ngày đầu bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy.

- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như:

+ Loét miệng: Xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, đau miệng dẫn đến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt, trẻ quấy khóc.

+ Phát ban trên da dạng phỏng nước: Vị trí nốt ban xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông tồn tại khoảng 1 tuần, sau đó sẽ để lại vết thâm.

+ Biểu hiện toàn thân: Sốt nhẹ, nôn. Nếu người bệnh sốt cao cần chú ý các biến chứng xảy ra.

- Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

3. Điều trị chân tay miệng

- Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

- Cần chú ý theo dõi nhằm phát hiện sớm và điều trị sớm biến chứng.

- Giữ gìn vệ sinh và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ: Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh các kích thích. Bù nước bằng dung dịch điện giải. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Bổ sung vitamin C, các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

- Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu như: Sốt cao ≥ 39 độ C, thở nhanh, khó thở, mệt lả; giật mình, quấy khóc, khó ngủ; nôn nhiều; đi loạng choạng; da tái, nổi vân tím, tay chân lạnh, vã mồ hôi; co giật, hôn mê.

4. Phòng bệnh tay chân miệng

Phòng bệnh chân tay miệng bằng các biện pháp:

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà: không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong thời gian bị bệnh.

- Không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da để tránh bội nhiễm.

- Vệ sinh, lau dọn phòng ở của người bệnh, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh.

- Thường xuyên giặt giũ, phơi phóng quần áo, khăn trải giường và vệ sinh các đồ vật cá nhân của người bệnh nhân.

- Rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã; sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt của bệnh nhân...

Chân tay miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm, chú ý đến các dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế biến chứng xảy ra. Hiện nay, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả.

Ý kiến bạn đọc