Mang thai và làm mẹ là thiên chức thiêng liêng nhất của người phụ nữ. Tuy nhiên trong quá trình mang thai, sản phụ thường phải đối mặt với nhiều lo lắng với các vấn đề có thể xảy ra gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự an toàn của cả sản phụ và thai nhi. Do đó, để có 1 thai kỳ an toàn và thai nhi có thể phát triển bình thường cần phải được quản lý, theo dõi một cách khoa học bởi các nhân viên y tế có chuyên môn, từ đó có hướng dẫn cụ thể và phù hợp cho từng trường hợp để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Bài viết dưới đây sẽ giúp các sản phụ và gia đình hiểu hơn về quản lý thai nghén và sẽ có sự lựa chọn phù hợp cho bản thân và thai nhi trong suốt thai kỳ.
Quản lý thai kỳ là gì? Có tầm quan trọng như thế nào?
Quản lý thai kỳ là dịch vụ chăm sóc và theo dõi tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi từ lúc bắt đầu thụ thai cho tới khi chuyển dạ bởi các nhân viên y tế có chuyên môn phù hợp. Quản lý thai nghén giúp theo dõi, đánh giá, phân loại tình trạng của sản phụ và thai nhi qua đó có chỉ định điều trị với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Các thông tin cần theo dõi trong quá trình quản lý thai nghén về phía sản phụ bao gồm: Tiền sử bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, sản khoa của thai phụ nếu có. Các chỉ số về tình trạng sức khỏe của mẹ ở hiện tại và trong suốt quá trình mang thai như: mạch, huyết áp, nhịp tim, chức năng hô hấp, tình trạng cân nặng, các số đo vòng bụng, cao tử cung, các chỉ số xét nghiệm như công thức máu, các bệnh lây truyền qua đường máu và qua đường mẹ con (HIV, Viên gan B, C …) Diễn biến các bệnh lý mãm tính, các bệnh lý nền nếu có (Tim mạch, hô hấp, huyết áp, tiểu đường, Basedow…). Diễn biến các bệnh lý phát sinh do quá trình mang thai: Đái tháo đường thai kỳ, Tiền sản giật,…
Các thông tin về tình trạng thai nhi: Ngày kinh cuối cùng (với trường hợp kinh nguyệt đều), dự kiến ngày sinh theo siêu âm thai lúc 12 tuần (9 tuần – 14 tuần). Tuổi thai, hình thái thai nhi theo tuổi thai, các chỉ số sinh học của thai (lưỡng đỉnh, xương đùi, chu vi bụng…) cân nặng thai nhi. Kết quả xét nghiệm sàng lọc. Ngôi thai, thế thai, tình trạng bánh rau, nước ối, dây rốn…
Các chỉ số thu được cả của mẹ và thai nhi phải được ghi chép đầy đủ và trình bày khoa học để có thể theo dõi và quản lý. Qua việc thăm khám và theo dõi định kỳ, bác sĩ có thể nắm được tình trạng sức khỏe của thai phụ, phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý trong suốt thai kỳ, đồng thời tiên lượng và chuẩn bị tốt cho cuộc sinh nở, đề phòng các biến chứng sản khoa.
Ngoài ra, việc quản lý thai kỳ còn giúp mẹ bầu có thêm nhiều kiến thức về vệ sinh thai nghén, chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý để có thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Quản lý thai kỳ tự nhiên như thế nào là hợp lý?
Việc thăm khám định kỳ là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình quản lý thai kỳ tự nhiên. Dưới đây là các số mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần nắm rõ để có thai kỳ khoẻ mạnh:
Mốc 1: Tuần thứ 5-8
- Kiểm tra cân nặng, chiều cao để đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì. Kiểm tra huyết áp, đánh giá và phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật.
- Xét nghiệm máu về hormone HCG để chắc chắn việc có thai.
- Siêu âm để biết được thai đã vào buồng tử cung hay chưa.
Mốc 2: Từ tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày
- Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để đánh giá sức khỏe của mẹ và tình trạng phát triển của thai nhi.
- Tính ngày dự sinh qua siêu âm thai.
- Xét nghiệm Double Test và siêu âm sàng lọc một số dị tật bẩm sinh, đặc biệt là đánh giá nguy cơ hội chứng Down ở thai nhi thông qua đo độ mờ da gáy. Trong trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ có thể tư vấn thực hiện xét nghiệm NIPT hoặc sinh thiết gai nhau.
Mốc 3: Từ tuần 16 – 22
- Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm để đánh giá sức khỏe của mẹ và tình trạng phát triển của thai nhi.
- Các xét nghiệm sàng lọc một số dị tật bẩm sinh ở thai nhi có thể được chỉ định: Triple Test, chọc ối.
Mốc 4: Từ tuần 22-28:
- Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, vòng bụng của thai phụ, xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi
- Thực hiện nghiệm pháp dung nạp Glucose nhằm phát hiện tiểu đường thai kỳ.
- Tiêm vacxin uốn ván VAT mũi đầu tiên.
Mốc 5: Từ tuần 28-32
- Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, vòng bụng của thai phụ, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.
- Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi.
- Tiêm vacxin uốn ván VAT mũi thứ 2.
Mốc 6: Từ tuần 32-34
- Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.
- Kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi.
Mốc 7: Từ tuần 34 – 36
- Kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.
- Kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi.
Mốc 8,9,10: Từ tuần 36 đến tuần 39
- Siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra cổ tử cung.
- Trong giai đoạn này, thai phụ cần đi khám thai mỗi tuần 1 lần vì đây là giai đoạn rất quan trọng khi thai phụ chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển dạ.
Các mốc khám thai quan trọng đóng vai trò vô cùng to lớn trong suốt quá trình quản lý thai kỳ tự nhiên. Vì vậy, để đạt được hiệu quả theo dõi tốt nhất, chị em nên theo dõi sát sao lịch khám và các mốc khám không thể bỏ lỡ để bảo vệ sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.
Trong suốt quá trình thai kỳ, chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt đóng vai trò không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển toàn diện của thai nhi. Mẹ bầu nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thiết yếu cho mẹ và bé. Tùy theo mỗi tháng của thai kỳ mà thai phụ cần thay đổi những thực đơn phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của thai nhi.
Mẹ bầu cũng nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe thai nhi. Người phụ nữ trong quá trình mang thai không nên thức quá khuya cũng như sử dụng các chất kích thích. Thay vào đó, bạn nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng cũng như tập cho mình thói quen ngủ sớm.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lý, mẹ bầu cần lưu ý thêm một số vấn đề quan trọng sau đây:
- Nên đăng ký dịch vụ chăm sóc tiền sản tại cơ sở y tế thuận tiện nhất ngay khi biết tin mình có thai.
- Nên chọn cho mình 1 bác sĩ chuyên khoa có thể chăm sóc và theo dõi suốt quá trình mang thai và sinh nở của mình. Điều này giúp bác sĩ có thể hiểu rõ được tiền sử, tình trạng của bệnh nhân để có thể ngăn ngừa những biến chứng trong suốt thai kỳ.
- Không nên chuyển đổi quá nhiều bác sĩ, hay các cơ sở y tế trong suốt thai kỳ.
- Nên đi khám thai định kỳ và làm đủ tất cả các xét nghiệm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn có đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và quản lý thai kỳ. Đối với mỗi thai phụ các bác sĩ sẽ có những phương án theo dõi và chăm sóc thai kỳ riêng để mang lại hiệu quả chăm sóc tốt nhất cho mẹ bầu và thai nhi. Bên cạnh đó, với hệ thống máy móc hiện đại, phòng bệnh rộng rãi, thoáng mát cùng việc triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến trong theo dõi và quản lý thai kỳ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn sẽ là nơi chăm sóc thai kỳ toàn diện khỏe mạnh, an toàn cho mẹ và con yêu.