Trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ não liên tục tăng cao. Từ tháng 6/2021 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận 40 trường hợp đột quỵ não, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý là các bệnh nhân này không được phát hiện sớm đột quỵ, vào viện khi đã quá “giờ vàng” (4,5 giờ kể từ khi khởi phát bệnh) nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong ở người bệnh.
Bệnh nhân đột quỵ não vào viện muộn, để lại di chứng nặng nề
Bệnh nhân H.Đ.H (81 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn) có tiền sử Tăng huyết áp. Khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ, gia đình người bệnh không phát hiện kịp thời, đến khi người bệnh rơi vào hôn mê, gọi hỏi không trả lời mới đưa đến bệnh viện. Do đến bệnh viện muộn, não bộ người bệnh đã bị tổn thương nghiêm trọng, nên dù được điều trị hơn 1 tháng qua, tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân mất ý thức hoàn toàn và tàn tật suốt đời.
Nếu được cấp cứu trong khoảng thời gian vàng, người bệnh có thể được cứu sống và hồi phục hoàn toàn nhờ dùng thuốc tiêu sợi huyết. Do vậy, người nhà người bệnh và nhân dân cần nắm rõ dấu hiệu đột quỵ não để nhận biết sớm và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Cách nhận biết sớm đột quỵ não dựa vào dấu hiệu “FAST” gồm 4 yếu tố đó là:
- Khuôn mặt (Face): Nhân trung lệch sang một bên.
- Tay chân (Arms): Tay chân yếu, tê bì một bên hoặc có thể hai bên, cầm vật gì đột nhiên rơi, hay đang đi, đứng đột nhiên quỵ xuống.
- Giọng nói (Speech): Nói ngọng, nói khó, thất ngôn, ú ớ không nói được.
- Thời gian (Time): Thời gian vàng cấp cứu đột qụy não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu trên.
Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, không nên châm cứu, chích máu tay, đánh gió,... tránh làm mất thời gian vàng. Cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu và xử trí kịp thời.