Năm 2024, Liên Hợp Quốc đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học là “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”
Thuật ngữ đa dạng sinh học (Biological Diversity/Biodiversity) xuất hiện từ những năm 1980, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết trong các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn tính đa dạng và phong phú của sự sống trên trái đất. Thuật ngữ này hiện nay đang được sử dụng một cách rộng rãi nhất trên phạm vi toàn cầu trong nhiều lĩnh vực khoa học và văn hóa đời sống.
Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của Thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước...
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển.
Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt và buôn bán trái phép, không bền vững các loài động vật hoang dã. Do đó, việc đưa ra các vấn đề ưu tiên trong quản lý ĐDSH của Việt Nam là việc quan trọng cần thực hiện.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn các Khoa, Phòng thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc Tế Đa dạng sinh học năm 2024 (22/5). Bệnh viện tăng cường triển khai nhiều hoạt đông tuyên truyền, giáo dục, lồng ghép vào các buổi giao ban chung toàn viện, giao ban tại các Khoa, Phòng nhằm giúp các Khoa, Phòng cũng như các cá nhân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Đa dạng sinh học. Đăng tải các bài viết, tuyên truyền về Đa dạng sinh học lên trang website, fanpage của Bệnh viện.
Tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về Đa dạng sinh học và các giá trị Đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững Quốc Gia. Đồng thời thúc đẩy lối sống hoà hợp với thiên nhiên. Tăng cường các hoạt động ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán các loài thực vật, động vật hoang dã. Bảo vệ và tôn trọng các phong tục tập quán của người dân địa phương.
Cùng với đó, Bệnh viện triển khai nhiều đợt chăm sóc và trồng mới cây xanh, thu gom, xử lý chất thải khu vực Bệnh viện. Đồng loạt triển khai tới các Khoa, Phòng thực hiện “5S” khu vực bàn làm việc, phòng làm việc. Tổ chức toạ đàm, truyền thông về ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã. Giảm thiểu tối đa các loại chất thải nhựa gây hại cho môi trường.
Ngày Quốc tế đa dạng sinh học đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn là một dịp giúp toàn bộ viên chức, người lao động trong Bệnh viện hiểu rõ hơn về vấn đề Đa dang sinh học toàn cầu. Từ đó, đưa ra các giải pháp hữu ích, thiết thực, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên hướng đến sự phát triển bền vững của Bệnh viện cũng như đất nước./.
Lưu Mai Hương – Phòng Hành chính quản trị