CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ SỐT CAO CO GIẬT

Ngày 18 / 04 / 2019
|
Y học thường thức

Trong giai đoạn phát triển từ 2 tháng đến 6 tuổi, trẻ bị sốt cao co giật 1 hoặc 2 lần thì có thể coi là lành tính. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không biết cách xử lý khi trẻ bị sốt cao co giật sẽ dễ gây tổn thương cho trẻ, thậm chí có thể để lại di chứng động kinh về sau rất khó xử lý.

Vì sao sốt cao co giật thường xảy ra ở trẻ nhỏ?

Sốt không phải là một bệnh lý, mà là phản ứng rất bình thường ở trẻ nhỏ nhằm chống lại các tác nhân gây hại xâm nhập từ bên ngoài như vi khuẩn, vi rut,… hoặc có thể do dị ứng thuốc, mọc răng, hay sau chích ngừa, tiêm vắc – xin,…

Não bộ của trẻ trong giai đoạn sơ sinh cho đến 6 tuổi chưa thực sự phát triển hoàn chỉnh, nên khá nhạy cảm với sự thay đổi thân nhiệt. Nhiệt độ cao hoặc tốc độ thay đổi nhiệt quá nhanh đều có thể kích thích não bộ gây co giật. Các cơn co giật này thường là co giật toàn thể, kéo dài không quá 5 phút. Sau cơn, trẻ thường lờ đờ, chậm chạp, mệt mỏi hoặc buồn ngủ.

Sốt cao co giật có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia đánh giá, sốt cao co giật nếu chỉ xảy ra một vài lần thì có thể đánh giá là lành tính, không gây bất cứ thiệt hại lâu dài nào cho trẻ. Tuy nhiên, một số ít trẻ nhỏ sốt cao co giật dù chỉ một lần cũng có thể tiến triển thành động kinh, tỉ lệ này chiếm khoảng 1.5%. Và nguy cơ có thể tăng lên 2.5 % nếu trẻ có những yếu tố sau:

- Cơn sốt cao co giật xuất hiện lần đầu khi trẻ dưới 12 tháng tuổi.

- Trẻ có những bất thường trong hệ thần kinh hoặc chậm phát triển.

- Tiền sử gia đình có người bị động kinh.

- Sốt nhẹ trước khi lên cơn co giật 1 tiếng.

- Cơn co kéo dài trên 15 phút hoặc có nhiều cơn co giật trong 24 giờ.

Mặc dù tỉ lệ trẻ mắc di chứng động kinh sau sốt cao co giật là thấp, nhưng nguy cơ tái phát cơn co giật ở những trẻ này trong hai năm kế tiếp có thể từ 15 – 70% từ khi cơn co giật đầu tiên xuất hiện. Thực tế cho thấy, co giật tái diễn nhiều lần sẽ không tốt cho não bộ não của trẻ. Bởi sự phóng điện đột ngột, quá mức của các nơron thần kinh có thể “giết chết” các tế bào não, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, giác quan, ngôn ngữ và làm giảm trí nhớ của trẻ.

Cách xử lý khi trẻ bị co giật

Khi trẻ bị co giật, cha mẹ chớ nên hoảng hốt mà phải thực sự bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu sau:

- Nếu cơn co giật xảy ra khi đang bế trẻ trên tay, thay vì ẵm ngửa và ghì chặt tay chân thì bạn nên bế xoay trẻ sang tư thế nghiêng một bên để trẻ dễ thở và tránh sặc đờm dãi hoặc chất nôn, cơn co giật thường sẽ tự hết sau vài phút.

- Trong trường hợp trẻ đang chơi và ngã co giật bất ngờ, hãy loại bỏ mọi vật sắc nhọn xung quanh khu vực trẻ đang nằm để tránh gây tổn thương cho trẻ. Nới lỏng quần áo, đặc biệt là vùng cổ để đường thở thông thoáng. Khi kết thúc cơn co giật, nên đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để nhanh hồi phục.

Lưu ý là không nên cho ngón tay hoặc các vật cứng vào miệng trẻ. Điều này có thể gây tổn thương răng, cơ hàm, nướu, lợi, thậm chí gây tắc nghẽn đường thở, tử vong nếu trẻ cắn vỡ vật và nuốt mảnh vụn.

Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xác định rõ căn nguyên và có hướng điều trị kịp thời. Trong việc chăm sóc trẻ, cha mẹ lưu ý để trẻ được ngủ đủ giấc và bổ sung dinh dưỡng bằng những thực phẩm dạng lỏng, dễ tiêu nhằm giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.

Cách chăm sóc giúp phòng cơn sốt cao co giật tái phát

Trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật rất dễ xuất hiện cơn co giật ở những lần sốt tiếp theo, thậm chí không sốt cũng có thể bị co giật, lâu dần tiến triển thành động kinh. Do vậy, ngay khi mới chớm sốt, bạn nên:

-  Sử dụng thuốc hạ sốt đúng, đủ liều và kịp thời. Nếu trẻ không uống được thì có thể dùng dạng viên đút hậu môn để nhanh hạ sốt, đồng thời dùng khăn ấm chườm khắp vùng trán, lưng, nách, bẹn,…

- Cho trẻ uống oresol, nước ép, sinh tố trái cây để cân bằng điện giải, bổ sung vitamin tăng sức đề kháng cho trẻ.

 

Theo Sức khỏe và đời sống

Ý kiến bạn đọc