CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Răng khôn mọc lệch – Những điều cần biết để tránh biến chứng

Ngày 26 / 04 / 2017
|
Y học thường thức

Răng số 8 hay còn gọi răng khôn là răng mọc ở trong cùng của cung hàm, mọc ở độ tuổi trưởng thành khi xương hàm đã phát triển toàn diện, không đủ chỗ cho răng khôn mọc. Do vậy, răng khôn thường bị ngầm, mọc lệch,  không có chức năng ăn nhai và gây nên những biến chứng.

Tại Phòng Răng hàm mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, trung bình mỗi tháng có khoảng 90 bệnh nhân tới khám răng khôn, đa phần răng khôn đã gây biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Răng khôn có thể mọc lệch ở các vị trí: lệch gần, lệch xa, lệch má, lệch trong… nhưng gặp nhiều nhất là răng khôn hàm dưới mọc lệch gần.

* Răng khôn mọc lệch có thể gây ra cá biến chứng sau:

- Tình trạng viêm nhiễm : Viêm túi lợi quanh răng, viêm mô liên kết lan tỏa rộng , viêm xương hàm…

- Mọc đâm vào răng số 7: Răng khôn mọc ở vị trí trong cùng của cung hàm do không đủ chỗ nên thường đâm vào răng số 7 làm cho răng số 7 bị sâu, lung lay và có thể gây hỏng  răng số 7.

- Gây sâu răng: Do ở góc trong cùng của cung hàm nên việc chải răng ở đó khó khăn, gây tích tụ thức ăn, vi khuẩn phá hủy gây sâu răng. Hơn nữa với những răng khôn mọc đâm vào mặt xa răng số 7 thường gây sâu phía xa của răng số 7 nên rất khó phát hiện. Chỉ khi bệnh nhân tới khám, được chụp phim X - quang hay khi đã xảy ra biến chứng với răng số 7.

Biến chứng răng khôn gây sưng, phù nề

* Khi bị biến chứng do răng khôn mọc lệch thì cần làm gì?

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu của biến chứng răng khôn: Sưng đau góc hàm, hạn chế há miệng , sốt, ăn nhai đau…thì cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Răng hàm mặt để được điều trị. Bệnh nhân sẽ được điều trị kháng sinh, giảm viêm, giảm đau cho tới khi bệnh nhân hết sưng đau, há miệng bình thường thì mới tiến hành các biện pháp điều trị khác.

*Cần làm gì để điều trị dự phòng khi có răng khôn mọc lệch?

- Nên nhổ các răng khôn hàm dưới mọc lệch sớm trước 30 tuổi để đề phòng các tổn thương cho răng số 7, nhất là với các trường hợp răng khôn hàm dưới mọc lệch gần từ 45 đến 90 độ.

- Cần tuyên truyền giáo dục sức khỏe răng miệng trong cộng đồng về vệ sinh răng miệng đúng cách. Nên khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh vê răng miệng, đặc biệt là phòng ngừa các biến chứng do răng khôn hàm dưới mọc lệch.

- Giải thích cho bệnh nhân hiểu được việc cần thiết của nhổ răng khôn để phòng các biến chứng khi nó mọc lệch.

* Quy trình nhổ răng khôn mọc lệch

- Cho bệnh nhân súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng, sát khuẩn  vùng nhổ răng.

- Vô cảm : Gây tê vùng và tại chỗ

- Tạo vạt (nếu cần)

- Mở xương bộc lộ răng (nếu cần).

- Cắt phần thân răng lệch kẹt.

- Lấy răng ra khỏi huyệt ổ răng bằng dụng cụ thích hợp.

- Kiểm soát huyệt ổ răng.

-Khâu phục hồi niêm mạc.

- Hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định.

* Những điều cần biết sau khi nhổ răng khôn.

- Bệnh nhân cắn chặt bông gòn khoảng 30 phút sau đó bỏ ra.

- Ngậm nước lạnh hoặc chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng nề.

- Ăn đồ lỏng, mềm, nguội lạnh .Tránh đồ cứng, sắc hay đưa lưỡi vào vùng vừa nhổ răng.

- Vệ sinh răng miệng sạch sau mỗi lần ăn.

- Khi có dấu hiệu bất thường cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Răng hàm mặt để khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Khoa Răng hàm mặt

Ý kiến bạn đọc