CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Bệnh thiếu máu huyết tán tại khoa Nhi

Ngày 04 / 04 / 2017
|
Y học thường thức

Được khỏe mạnh, vui chơi, học hành là niềm ao ước của những em bé thiếu máu huyết tán. Cuộc sống của các em giờ đây gắn liền với  những cơn đau, những mũi tiêm, những lần tiếp máu, dịch truyền…

Tại phòng bệnh nhân thiếu máu huyết tán ở Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Lạng Sơn, có những em bé gầy yếu, nước da sạm vàng, đầu to, trán dô, sống mũi tẹt… Bác sĩ Ma Văn Minh – trưởng khoa Nhi cho biết đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu huyết tán (Thalassemia).   

Biểu hiện điển hình của bệnh nhân biến chứng do thiếu máu huyết tán

 

Bệnh huyết tán là bệnh thiếu máu do hồng cầu bị phá vỡ và đời sống hồng cầu bị rút ngắn dưới 120 ngày. Bệnh mang tính di truyền (do bố hoặc mẹ có gen bệnh), có bất thường tại hồng cầu và do tác nhân bên ngoài hồng cầu. Chế độ điều trị bệnh bằng hai phương pháp chính là truyền máu định kỳ trung bình 3- 4 tuần/lần. Sau 10 - 20 lần truyền máu, bệnh nhân sẽ được tiến hành thải sắt. Việc thải sát còn được thực hiện khi nồng độ ferritin (một protein tế bào máu có chứa sắt) trên 1.000 mg/ml. Trong quá trình truyền máu, nếu bệnh nhân không được thải sắt sẽ dẫn đến ứ đọng sắt tại các cơ quan gây suy tim, xơ gan, rối loạn chức năng của các tuyến nội tiết dẫn đến bị tiểu đường, suy giáp, suy giảm hoóc môn sinh dục ảnh hưởng đến chức năng sinh sản... Người mắc bệnh thiếu máu huyết tán có tuổi thọ thấp hơn rất nhiều so với bình thường nếu không được điều trị. Bệnh hay gặp ở các các dân tộc ít người của tỉnh miền núi trong đó có Lạng Sơn. Mỗi tháng có khoảng 50 – 60 ca điều trị tại khoa Nhi, mỗi đợt điều trị 7 – 10 ngày. Căn bệnh này rất cần truyền máu mỗi đợt thiếu máu nặng. Các bé phải truyền từ 2 – 5 đơn vị mỗi đợt điều trị, trường hợp nặng cần truyền đến 10 đơn vị.              

                 

Các bé phải truyền từ 2 – 5 đơn vị mỗi đợt điều trị, mỗi đợt điều trị kéo dài 7 - 10 ngày

Một biện pháp được các nước phát triển chữa khỏi bệnh huyết tán là ghép tế bào gốc – ghép tủy. Tuy nhiên ghép tủy có chi phí quá lớn, và rất khó tìm người cho tủy phù hợp,  hơn thế nữa, hiện trẻ huyết tán ở nước ta hầu hết đã biến chứng nên không đủ tiêu chuẩn ghép. Vì thế bệnh viện cũng là ngôi nhà thứ hai của các em, cuộc đời của các em luôn gắn liền với những bịch máu truyền. 

Để phòng ngừa bệnh thiếu máu huyết tán, các cặp vợ chồng cần lưu ý:

- Trước khi kết hôn các cặp vợ chồng nên khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân.

- Nếu cả hai người cùng mang một thể bệnh Thalassemia kết hôn với nhau, cần được tư vấn trước khi dự định có thai.

- Khi người mẹ mang thai có thể phát hiện được con bị bệnh bằng cách lấy máu của mẹ để làm xét nghiệm xem có bị thiếu máu hồng cầu nhỏ sẽ làm tiếp xét nghiệm tầm soát bệnh của thai nhi. Ở tuần thứ 10 của thai kỳ, chẩn đoán có thể được thực hiện bằng sinh thiết nhau thai, còn từ tuần thứ 11 đến 19 thì chẩn đoán dựa trên chọc hút xét nghiệm tế bào nước ối. Còn từ tuần thứ 20 trở đi thì dựa trên xét nghiệm tế bào máu cuống rốn./.

Phạm Lan Anh - Tổ Công tác xã hội

Ý kiến bạn đọc