Uống nước đá thường xuyên, sử dụng máy lạnh quá lâu, để quạt hướng thẳng vào người... là những thói quen gây viêm họng mà nhiều người hay mắc phải trong mùa hè.
Viêm họng là một bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi đối tượng và đặc biệt dễ mắc vào những ngày hè nóng bức. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do một số thói quen mà nhiều người thường mắc phải khi cố gắng giải nhiệt cho cơ thể.
Những tác nhân gây viêm họng
Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng và biểu mô dây thanh bị tổn thương viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vi khuẩn, virus, nấm, dị ứng... Sự thay đổi nhiệt độ môi trường và cơ thể diễn ra đột ngột nên niêm mạc họng thường chưa đủ thời gian để làm ấm như chức năng vốn có, kích thích niêm mạc họng mà nhanh chóng gây bệnh.
Súc miệng nước muối pha loãng để phòng viêm họng.
Nguyên nhân viêm họng thường gặp nhất là do vi khuẩn: phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%), liên cầu, Friedlander, Pfeiffer...
Thời đại công nghiệp hóa, thói quen sử dụng điều hòa ngày càng phổ biến. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên thì đây sẽ là một yếu tố thuận lợi làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu, nấm sẽ gây ra viêm họng. Ngoài ra, trong mùa hè do tần suất sử dụng đồ uống lạnh tăng đột ngột gây viêm họng, khàn tiếng. Nguyên nhân vì uống nước đá lạnh nhiều sẽ làm khô lớp nhầy bảo vệ niêm mạc cổ họng. Nó gây nên hiện tượng bỏng lạnh, từ đó khiến cổ họng bị rát và tổn thương. Vì thế vi khuẩn dễ xâm nhập, dẫn đến viêm họng cấp.
Nhiều yếu tố làm cho những người có cơ địa dị ứng như các loại phấn hoa có trong mùa hè (hoa sữa, hoa mộc, hoa sói...). Thức ăn mùa hè như các loại kem, các loại nước giải khát... Niêm mạc họng và thanh quản bị kích thích, phù nề gây ngứa họng, rát họng và ho cơn đồng thời dị ứng cũng lan nhanh xuống thanh quản gây khàn tiếng, ho, thậm chí khó thở thanh quản (phù Quinke thanh quản).
Người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người (virus). Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt, môi khô, lưỡi bẩn (vi khuẩn). Cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm. Khi khám, bác sĩ sẽ thấy niêm mạc họng đỏ, tăng xuất tiết; nếu do vi khuẩn trên niêm mạc họng và amidan sẽ có giả mạc màu trắng hoặc vàng xám bao phủ.
Bệnh viêm họng cấp thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt hoặc được điều trị đúng, bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi), không được chữa trị kịp thời, bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phổi nặng hoặc trở thành viêm họng mạn tính. Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A, có thể gây nên bệnh thấp tim tiến triển hoặc viêm cầu thận cấp.
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ kê thuốc cho phù hợp như: kháng sinh, kháng viêm đường uống, hạ sốt, giảm đau, giảm phù nề, chống dị ứng...
Khi bị viêm họng, chăm sóc và điều trị tại nhà cũng cần được lưu ý. Nếu bệnh nhân bị viêm họng do virus, cần chú ý uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước; Súc họng bằng nước muối (1 thìa cà phê muối trong 50ml nước). Có thể dùng máy tạo ẩm, nghỉ ngơi cho tới khi thấy khỏe mạnh. Nếu đau họng có thể dùng thuốc ngậm họng để giảm đau và ngứa họng. Có thể dùng một số thuốc từ thiên nhiên để điều trị: mật ong, cam thảo,... Khi bị đau họng, gây cảm giác nóng rát và khó chịu làm uống hoặc ăn khó hơn, thậm chí gây tổn thương niêm mạc viêm của vùng họng. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng thực phẩm mềm và rất dễ nuốt để hạn chế kích thích niêm mạc họng khi đang trong tình trạng sung huyết. Thực phẩm và đồ uống ấm cũng có thể giúp làm dịu cổ họng.
Khí hậu nắng nóng thường gây ra hiện tượng khát nên phải uống nhiều nước. Tuy nhiên, nước có nhiệt độ thấp, sự chênh lệch nhiệt độ khi uống dẫn đến hiện tượng kích thích niêm mạc họng, thanh quản gây viêm. Khi sử dụng thực phẩm, nên chú ý đừng để quá lạnh, nhất là những người đã biết có cơ địa dị ứng. Mùa hè, cần giữ ấm vùng cổ khi sử dụng điều hòa nhiệt độ dưới 26 độ. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên sẽ là yếu tố thuận lợi làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu nấm sẽ gây viêm họng.
Mùa hè lại là mùa khô, nóng nên dễ phát tán bụi bẩn ra không khí ở khu vực rộng, do vậy nên dùng bảo hộ lao động đúng quy định khi làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi bẩn hoặc hóa chất.
Theo Sức khỏe và đời sống