Động kinh là một bệnh mạn tính, không lây nhiễm phổ biến của hệ thần kinh trung ương, biểu hiện lâm sàng bởi những cơn động kinh. Đây là một bệnh lý cũng khá phổ biến trong cộng đồng...
Nhiều người có quan niệm cho rằng động kinh là bệnh không chữa khỏi, không tiếp cận điều trị dẫn tới bỏ lỡ cơ hội được điều trị, đặc biệt điều trị không kiên trì, bỏ cuộc giữa chừng... đã làm gián đoạn điều trị. Nhiều trường hợp đang điều trị thuốc chống động kinh lại chuyển sang các bài thuốc lá, thuốc nam khiến bệnh trở nặng, hoặc gây ngộ độc cho cơ thể...
Nguyên nhân nào gây ra bệnh động kinh
Các nguyên nhân có thể gặp như: Chấn thương sọ não các loại (hiện nay thường do chủ yếu là tai nạn giao thông chiếm phần lớn, trong đó tình trạng say rượu, nghiện ma túy góp phần không nhỏ); các bệnh của não bộ như tai biến mạch máu não (chảy máu não, nhũn não), u não, viêm não, các loại ngộ độc rượu, ma túy, hóa chất…Ngoài ra còn có những loại bệnh động kinh nguyên phát không rõ lý do.
Hình ảnh sóng não.
Biểu hiện của bệnh
Khi lên cơn động kinh, biểu hiện thay đổi tùy người. Có người chỉ đơn giản là nhìn ngây người trong vài giây, trong khi người khác lại là một cơn co giật thực sự. Nghiên cứu của các chuyên gia Hoa Kỳ cho thấy, cứ 100 người dân thì có 1 người xảy ra 1 cơn động kinh vô cớ trong đời của họ.
Động kinh toàn thể: Bệnh thường dễ chẩn đoán, cơn xuất hiện rất đột ngột, người bệnh thường kêu lên một tiếng rồi ngã lăn ra, ngay lập tức mất ý thức hoàn toàn. Cơn thường trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn co cứng (kéo dài trong khoảng chừng một phút): Co cứng toàn bộ các cơ tứ chi, cơ ở thân, ở ngực, hai tay co, hai chân duỗi. Hậu quả gây ngưng thở, tím tái, có thể cắn vào lưỡi.
Giai đoạn co giật cơ (kéo dài trong khoảng chừng một vài phút): Giật cơ từng đợt đều đặn có nhịp, hai mắt trợn trừng, nhấp nháy, miệng sùi bọt có lẫn máu.
Giai đoạn hôn mê, lú lẫn: Sau giai đoạn co giật người bệnh vào giai đoạn hôn mê sâu, thở rống, đái trong quần. Sau đó lúc tỉnh dậy thấy đau đầu, mỏi mệt.
Cơn không điển hình: Người bệnh chỉ mất ý thức, té ngã.
Cơn vắng ý thức: Đặc trưng bởi sự đột ngột mất ý thức, ngừng mọi hoạt động trong thời gian rất ngắn vài chục giây. Lúc đó người bệnh như đờ đẫn, mắt nhìn vô hồn, đánh rơi bút, đồ vật đang cầm hoặc chữ viết bỗng trở nên nguệch ngoạc. Rất nguy hiểm nếu người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông, hay làm việc trên cao...
Động kinh cục bộ: Ngoài ra còn có thể gặp các cơn co giật cục bộ ở mặt, một phần chi...
Động kinh thái dương: Bệnh còn gọi là động kinh tâm thần, rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán được vì biểu hiện của nó rất giống rối loạn tâm thần.
Ngoài những rối loạn tâm thần trong cơn, về lâu dài nếu không được điều trị tích cực, có thể thấy các biến chứng sau đây: Biến đổi nhân cách, tính tình (người bệnh trở nên dễ giận dữ, tư duy lai nhai), rất phiền hà cho gia đình và những người mà bệnh nhân tiếp xúc. Lâu hơn nữa có thể mất trí, sa sút tâm thần do bệnh động kinh. Nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn lúc đang làm việc gây ra tai nạn như bỏng, ngã xe, ngã sông, có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời.
Những điều nên làm
Đưa bệnh nhân đến nơi có mặt nền an toàn. Mặt nền phải mềm, không gây tổn thương khi bệnh nhân co giật, không có vật nguy hiểm xung quanh; tránh va chạm khi bệnh nhân lên cơn giật; nới rộng quần áo bệnh nhân; kê gối hoặc dưới đầu bệnh nhân và nghiêng đầu sang một bên; ngồi bên cạnh bệnh nhân để theo dõi và chăm sóc.
Không nắm giữ (ghì, đè...) cơ thể bệnh nhân: Khi thấy bệnh nhân bị co giật, không nên dùng sức mạnh của tay mình để nắm, giữ hạn chế sự co giật của tay, chân bệnh nhân vì dễ gây nên trật khớp, gãy xương hoặc tổn thương cơ.
Không đưa bất kỳ vật gì vào miệng bệnh nhân: Người nhà sợ bệnh nhân cắn vào lưỡi nên thường đưa đồ vật vào miệng để hạn chế cắn vào lưỡi. Nếu đồ vật quá cứng sẽ làm gãy răng hoặc nếu vật đó quá mềm sẽ gây gãy vật đó. Cả hai đều có khả năng gây tắc đường hô hấp.
Không cho bệnh nhân uống thuốc hoặc bất kỳ nước gì khi đang co giật để tránh tắc nghẽn đường hô hấp của bệnh nhân. Không nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cũng như không ép bệnh nhân uống thuốc hoặc uống nước cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn. Cần biết rằng cơn động kinh chỉ kéo dài từ 1-2 phút, sau đó sẽ tự ngưng.
Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, 70% bệnh nhân khống chế được cơn động kinh.
Tư thế phục hồi sau cơn động kinh
Bước 1: Quỳ gối xuống một bên bệnh nhân, đặt cẳng tay của bệnh nhân gần nhất với bạn thẳng góc với cơ thể bệnh nhân, gập cánh tay lên trên.
Bước 2: Đặt bàn tay của bạn lên mu bàn tay của bệnh nhân. Đặt gan bàn tay của bệnh nhân vào má bên đối diện của tay (ví dụ: Gan bàn tay phải đặt ở má trái).
Bước 3: Lấy tay của bạn đặt lên gối của chân bệnh nhân xa với người bạn, kéo gối lên để chân của bệnh nhân gấp lại và bàn chân còn áp sát nền (tay kia vẫn áp vào má bệnh nhân).
Bước 4: Bạn kéo gối của bệnh nhân về phía bạn do đó bệnh nhân sẽ quay mặt về phía bạn.
Các bước này cần thực hiện nghiêm túc vì giúp cho đường hô hấp bệnh nhân được thông tốt. Nước bọt sẽ chảy ra ngoài.
Vấn đề chẩn đoán động kinh thường không khó với những trường hợp điển hình, trong đó kiến thức của thầy thuốc về động kinh đóng một vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán đúng và điều trị hợp lý. Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, 70% bệnh nhân khống chế được cơn động kinh. Nhưng trên thực tế có tới 80-90% các trường hợp động kinh sống ở các nước đang phát triển không nhận được sự điều trị phù hợp.
Điều trị động kinh hiện nay chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng nhằm mục đích cắt cơn với các thuốc kháng động kinh. Bên cạnh đó còn có các phương pháp khác như kích thích dây X, điều trị bằng phẫu thuật, điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt... Ngoài ra cũng cần điều trị tâm lý cho bệnh nhân, điều trị nguyên nhân và điều trị các rối loạn do cơn động kinh gây nên. Việc lựa chọn thuốc kháng động kinh cần chọn loại thuốc kiểm soát được cơn, hạn chế được tác dụng phụ của thuốc, khuyến khích sử dụng một loại thuốc để kiểm soát cơn và nâng dần liều để đạt được liều tác dụng. Ngoài ra thuốc phải có giá thành hợp lý để bệnh nhân có thể sử dụng lâu dài và có thể mua được dễ dàng tại nơi sinh sống. Cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc kháng động kinh cho phụ nữ có thai vì các thuốc kháng động kinh làm tăng nguy cơ dị tật lên gấp 2 lần so với người bình thường. Cần tránh sử dụng các thuốc hay gây dị tật cho thai nhi như valproat (gây dị tật ống thần kinh), phenytoin (gây dị tật hàm mặt)....
Theo Sức khỏe và đời sống