Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) vừa phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da, điều trị bệnh lý sỏi đường mật. Đây là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, giúp trị sỏi triệt để, an toàn, thời gian hồi phục nhanh, tránh các tai biến nguy hiểm so với phẫu thuật trị sỏi trước đây.
Bệnh nhân Lâm Thị P (57 tuổi, ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng) có tiền sử mổ cắt túi mật năm 2015, vào viện do đau bụng, chướng bụng nhiều ngày. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán sỏi mật tái phát (sỏi ống mật chủ, sỏi đường mật trong gan 2 bên). Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi đường mật qua da, ca tán sỏi thành công sau khoảng 3 giờ thực hiện.
Bệnh nhân P chia sẻ: “Được biết bệnh viện tỉnh có phương pháp điều trị sỏi mật mới nên tôi quyết định thực hiện ngay. Sau khi can thiệp, tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, không còn thấy đau bụng như trước đây. Sự chăm sóc nhiệt tình của các bác sĩ cũng làm tôi thấy vô cùng yên tâm, tin tưởng. Được thực hiện kỹ thuật hiện đại ngay tại tỉnh cũng giúp tôi và gia đình giảm bớt được thời gian, chi phí điều trị”.
Bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa – BVĐK phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện tán sỏi mật qua da
Dưới sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa - BVĐK cũng tiến hành tán sỏi cho bệnh nhân Mai Thị L (37 tuổi, ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) có tiền sử mổ sỏi mật nhiều lần, bị sỏi tái phát. Chị L vào viện với dấu hiệu đau bụng hạ sườn phải, sốt. Ca tán sỏi diễn ra thành công, an toàn, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh chóng; kết quả kiểm tra cho thấy sỏi mật đã được đẩy ra khỏi cơ thể hoàn toàn, người bệnh có thể xuất viện sau khoảng 10 ngày điều trị.
Sỏi đường mật làm nghẽn dịch mật gây đầy chướng, chậm tiêu, đau bụng… nếu không điều trị kịp thời, dứt điểm, trường hợp nặng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật, viêm tụy cấp, viêm gan, áp xe gan, ung thư đường mật, túi mật… Trước đây, sỏi đường mật trong và ngoài gan thường có chỉ định mổ mở để lấy sỏi, bệnh nhân phải trải qua cuộc đại phẫu nặng nề với nhiều biến chứng gây mê, chảy máu, nhiễm trùng vết mổ…thời gian hồi phục chậm, tỉ lệ sót sỏi rất cao, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh.
“Tán sỏi đường mật qua da là phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn, hiệu quả cao, đặc biệt thích hợp với các bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật nhiều lần (gây dính, khó khăn khi mổ lại)… Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, tỉnh táo hoàn toàn, ít đau trong quá trình thực hiện, các nguy cơ biến chứng thường gặp như chảy máu, nhiễm trùng, biến chứng do gây mê… cũng được kiểm soát tốt, thời gian hồi phục nhanh chóng. Kỹ thuật này được thực hiện bằng việc tạo một đường hầm nhỏ có kích thước từ 3 – 5mm từ ngoài cơ thể xuyên qua da ngoài thành bụng vào đường mật trong gan dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA, máy siêu âm trong mổ và camera nội soi. Sau đó, một bộ nong rộng đưa máy tán sỏi laser công suất lớn sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống đường mật trong gan (ống gan phải, ống gan trái, toàn bộ ống mật chủ). Các vị trí phát hiện có sỏi sẽ được tán nhỏ, hút ra ngoài và bơm rửa lấy hết cặn sỏi. Kết thúc ca tán sỏi, bệnh nhân được kiểm tra lại bằng Xquang và siêu âm đường mật đảm bảo không còn sót sỏi. Kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da đòi hỏi phải được tiến hành ở các bệnh viện lớn có trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, đội ngũ bác sĩ ngoại khoa được đào tạo bài bản, chuyên sâu” – Bác sĩ CKII Trần Mậu Việt – Khoa Ngoại Tiêu hóa BVĐK cho biết.
Kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da – một trong những kỹ thuật cao, hiện đại hàng đầu hiện nay được thực hiện ngay tại Bệnh viện đã giúp người dân trong tỉnh có thêm lựa chọn phương pháp điều trị mới, hiệu quả, an toàn mà không phải chuyển tuyến. Qua đó khẳng định sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng chuyên môn của Bệnh viện nhằm mang đến dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất cho nhân dân.