CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

SINH HOẠT KHOA HỌC “CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BẠCH HẦU NẶNG – NGUY KỊCH”

Ngày 26 / 09 / 2023
|
Tin tức

Chiều ngày 26/9/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức chương trình sinh hoạt khoa học trực tuyến “Chẩn đoán và điều trị bạch hầu nặng – nguy kịch”. Tham dự sinh hoạt khoa học có Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị Y tế trên cả nước.

Hiện nay, bệnh bạch hầu với diễn biến phức tạp và lây lan nhanh ở một số tỉnh phía Bắc khiến nhiều người diễn biến nặng và đã có trường hợp tử vong, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ em trong cộng đồng. Do vậy, việc cập nhật kiến thức để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời là vấn đề rất quan trọng với tất cả các cơ sở Y tế.

Các bác sĩ BVĐK tham dự sinh hoạt khoa học “Chẩn đoán và điều trị bạch hầu nặng – nguy kịch”

Tại buổi sinh hoạt khoa học, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã được cập nhật kiến thức chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu, đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân nặng và nguy kịch. Buổi sinh hoạt khoa học nhằm hỗ trợ, chia sẻ, cung cấp kiến thức cần thiết giúp các bác sĩ cập nhật thêm nhiều thông tin mới, thông tin quan trọng để chủ động chuẩn bị các phương án tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, cách ly bệnh nhân ngay khi có trường hợp mắc bệnh trên địa bàn.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra, bệnh có thể dễ lây lan qua nhiều hình thức khác nhau đặc biệt là đối với trẻ nhỏ không được tiêm chủng đầy đủ đúng thời điểm.

Bệnh có xuất hiện giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt thậm chí là bộ phận sinh dục. Các biểu hiện có thể dễ dàng nhận thấy như:

- Viêm họng, mũi, thanh quản, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm, sưng tấy vùng cổ.

- Giả mạc trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh vùng viêm, nếu bị bong tróc ra sẽ bị chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyêt.

- Bạch hầu thanh quản là thể bệnh bạch hầu nặng nhất ở trẻ em với biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc. Bên cạnh đó còn có biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim. Trường hợp bạch hầu thanh quản nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong lên đến 5-10% ca mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: DPT-VGB-Hib (SII) hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch. 

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, mang khẩu trang ở những nơi công cộng.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng 

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi             

Ý kiến bạn đọc