CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM MỚI TẠI KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN – BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH

Ngày 02 / 05 / 2024
|
Tin tức

Cột sống có vai trò cực kỳ quan trọng trong cơ thể con người, nó không chỉ giúp cho cơ thể đứng rất vững trên hai chân mà còn có thể giúp cơ thể chuyển động từ rất nhẹ nhàng đến mạnh mẽ, phức tạp. Do vậy, có rất nhiều yếu tố tác động bất lợi đến cột sống gây nên tình trạng bệnh lý, trong đó hay gặp nhất là bệnh lý Thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm được đánh giá là tình trạng nhân nhày đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường chèn ép vào các rễ thần kinh tủy sống, gây nên tình trạng bệnh lý.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm:

  -  Khi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, người bệnh có biểu hiện đau mỏi vùng vai gáy lan xuống cánh cẳng tay, mất cảm giác, giảm trương lực cơ. Các hiện tượng đau, nhức, tê tăng lên hay giảm đi theo vận động cánh tay.

  -  Khi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng bệnh nhân thường đau dữ dội, đột ngột sau một vận động sai tư thế, đau và tê, mất cảm giác dọc theo mặt sau đùi cẳng chân, trường hợp nặng có thể bị liệt. Ngoài ra bệnh nhân còn bị hạn chế cử động cột sống: không còn khả năng ưỡn của thắt lưng, không cúi được xuống thấp… Người bệnh thường có tư thế ngay lưng hay vẹo về một bên để chống đau, cơ cạnh cột sống co cứng. Có trường hợp đau rất dữ dội và người bệnh phải nằm bất động về bên đỡ đau.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm:

- Nguyên nhân phổ biến là vânh động sai tư thế.

- Nguyên nhân do thoái hoá tự nhiên.

- Gai đôi đốt sống, gù vẹo, thoái hoá cột sống là các yếu tố thuận lợi để gây bệnh.

- Nguyên nhân do bị tai nạn hay các chấn thương cột sống.

- Tổn thương đĩa đệm cũng có thể do nguyên nhân di truyền.

Hậu quả:

     -  Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ. Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cùng, bệnh nhân có thể bị chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn.

     -  Bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động. Tất cả các biến chứng đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, chưa kể những tốn kém do chi phí điều trị

Thực hiện phương pháp kéo nắn cột sống cho bệnh nhân tại khoa Y học cổ truyền

Làm gì khi bị thoát vị đĩa đệm:

*Điều trị nội khoa Y học cổ truyền: (Chiếm 90%)

Thực hiện thông tư số 50 năm 2010 của Bộ Y Tế về điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị thoát vị đĩa đệm.

Trong đó, nguyên tắc kết hợp là: khám bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh y học cổ truyền với phương pháp khám bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh của y học hiện đại và ngược lại. Dùng các thiết bị hiện đại như: Chụp cộng hưởng từ, Chụp cắt lớp vi tính, khám lâm sàng của y học hiện đại để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Kết hợp khám bệnh y học cổ truyền: Tứ chẩn (Vọng, Văn, Vấn, Thiết). Đề ra phương pháp điều trị:

-  Các phương pháp dùng thuốc: Ngâm thuốc, đặt thuốc, xông hơi thuốc, khí dung, bó thuốc, chườm thuốc, thuốc dùng ngoài da, thuốc dùng đường uống, thuốc dùng đường tiêm và truyền tĩnh mạch.

- Các phương pháp không dùng thuốc: xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh, khí công, các phương pháp châm, cứu, giác hút, cấy chỉ, chích lể.

       Khoa Y học cổ truyền triển khai các phương pháp

- Phương pháp kéo giãn cột sống: Kéo nắn cột sống bằng máy, kéo xà

- Phương pháp nhiệt: Ngâm thuốc cổ truyền. Chườm ngải cứu.

- Dòng điện trị liệu: Điện mãng châm. Điện xung vùng thoát vị.

- Ngoài ra bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, trấn tĩnh thần kinh và vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12).

- Thuốc đông dược (Bài: Độc hoạt tang ký sinh gia vị).

- Tác động cột sống. Tập Yoga.

Phương pháp điều trị mới này đã đem lại hiệu quả cho người bệnh, giảm ngay các cơn đau dữ dội, chống teo cơ, liệt, chống rối loạn cơ tròn... Tất cả bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đều hết hạn chế hoạt động, hạn chế sinh hoạt và làm việc, người bệnh có thể trở lại bình thường với năng suất lao động cao, cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn, ít tốn kém chi phí trong điều trị. Với những kết quả trên, khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã từng bước xây dựng cho mình một thương hiệu trong điều trị thoát vị đĩa đệm.

Hàng năm, khoa Y học cổ truyền BVĐK điều trị trên 950 lượt bệnh nhân, đạt 130% chỉ tiêu hàng năm. Ngày điều trị khoảng trên 10.000 lượt, đạt 120%. Trong đó 60% diện bệnh thuộc bệnh lý về cột sống và liên quan đến cột sống. Tất cả bệnh nhân đều được điều trị theo phương pháp mới và đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

*Điều trị ngoại khoa: (Chiếm 10%) Sự can thiệp phẫu thuật thường tiến hành sau điều trị nội khoa thất bại.

Trên đây là những thông tin, kiến thức cơ bản về Thoát vị đĩa đệm mà các bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cung cấp với mong muốn người bệnh hiểu được tình trạng bệnh lý của mình và hợp tác tốt với các bác sĩ trong quá trình điều trị.

Sự nỗ lực hợp tác trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm sẽ giúp người bệnh nhanh khỏi và tránh được các thủ thuật cũng như phẫu thuật cột sống rất tốn kém và nhiều biến chứng nguy hiểm.   

Với các thiết bị, máy móc hiện đại và bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, khoa Y học cổ truyền sẽ đồng hành cùng người bệnh trong suốt thời gian điều trị tại Bệnh viện, góp phần nâng cao sức khoẻ, tối ưu hiệu quả điều trị cho người bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.

 

Bác sĩ CKI. Phạm Duy Thìn – Khoa Y học cổ truyền

Ý kiến bạn đọc