RSV( Respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp dưới (viêm tiểu phế quản, viêm phổi), thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa virus RSV và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Trong vòng 1 tháng gần đây, khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 trẻ mắc viêm phổido virus RSV. Trẻ nhập viện có các triệu chứng như: ho, sốt, chảy mũi, khò khè, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến suy hô hấp. Sau khi điều trị, hầu hết các bệnh nhi đều khỏi bệnh và đã được xuất viện.
RSV là một loại virus có ái tính với đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ em. Virus này thường lây qua 2 con đường chính:
- Lây trực tiếp: do tiếp xúc với giọt bắn hoặc dịch tiết của người bệnh như nước bọt từ việc ho, hắt hơi, sổ mũi.
- Lây gián tiếp: khi chạm vào các bề mặt có chứa virus sau đó đưa tay lên mắt, mũi miệng.
- Virus RSV có thể tồn tại trong nửa giờ hoặc hơn trên tay và tối đa 5 giờ ở bề mặt các vật dụng như bàn ghế, đồ chơi của trẻ.
Virus RSV thường gặp vào mùa đông xuân, khoảng từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt dễ gây biểu hiện nặng nề hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi . Đặc biệt, bệnh có nguy cơ tiên lượng bệnh xấu đối với những trẻ sinh non hoặc trẻ mắc các bệnh nền: tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn hoặc suy giảm miễn dịch, Down, bại não…
Sau điều trị, hầu hết các bệnh nhi đều khỏi bệnh và đã được xuất viện
Những ngày đầu mới mắc, bệnh thường có những triệu chứng nhẹ như ho, hắt hơi, chảy mũi, sốt nhẹ…Do triệu chứng khá giống với cảm lạnh và các bệnh hô hấp thông thường nên các phụ huynh khó nhận biết. Trong một số trường hợp bệnh tiến triển nặng như biển hiện nặng sốt cao li bì, thở nhanh, quấy khóc, bỏ bú, ăn uống kém…, gia đình cần đưa trẻ đến cở sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Trong một số trường hợp trẻ có các biểu hiện sau đây, gia đình cần cho trẻ nhập viện ngay:
- Sốt cao, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt,
- Li bì, ngủ lịm
- Bỏ bú, ăn kém
- Có dấu hiệu mất nước như: khát nước, mắt trũng, tiểu ít, bỉm không ướt trong 12 giờ
- Khó thở rõ: thở rên, phập phồng cánh mũi, co kéo cơ hô hấp
Hiện nay, virus RSV ở trẻ em vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho trẻ. Để phòng ngừa lây nhiễm virus RSV cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý:
- Tránh để trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi,...; Tránh đưa trẻ tới nơi đông người.
- Giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ, trong lành, tránh khói bếp hay khói thuốc lá.
- Làm sạch và sát khuẩn bề mặt các dụng cụ có thể bị lây nhiễm virus RSV.
- Chú ý rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch hoặc các dung dịch diệt khuẩn có chứa cồn trước khi chăm sóc trẻ.
- Cho trẻ ăn uống đủ chất, tăng cường các thực phẩm có nhiều vitamin như hoa quả, rau củ… giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
- Khi nghi ngờ trẻ mắc virus RSV, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh, mà nên đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ La Tiến Cương - Khoa Nhi