CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY 4/10

Ngày 02 / 10 / 2024
|
Tin tức

Công tác phòng cháy, chữa cháy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội.

1.Nguồn gốc ra đời

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta, thể hiện được tầm quan trọng của công tác PCCC. Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2001, trong đó quy định rõ: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng đã quy định lấy ngày 4/10 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.

Năm 2013, sau 12 năm thực hiện Luật PCCC, để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 40/2013/QH13 ngày 22/11/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

2. Ý nghĩa ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy

Toàn dân phòng cháy và chữa cháy là hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân có sự lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm thực hiện các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng. Đó cũng chính là ý nghĩa ngày phòng cháy chữa cháy 4/10.

3. Tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy

Công tác phòng cháy chữa cháy là một việc làm hết sức quan trọng, bởi phòng cháy chữa cháy giúp hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro mà cháy nổ gây ra về người và tài sản. Hỏa hoạn, cháy nổ trong đời sống hàng ngày có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính vì vậy nếu không có những biện pháp kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại nghiệm trọng về người và tài sản, không những vậy còn có thể ảnh hưởng đến những khu vực lân cận.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy, mỗi người cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của bản thân trong phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, cần trang bị những kiến thức cơ bản khi có cháy nổ, hỏa hoạn.

Để giảm thiểu những vụ cháy nổ xảy ra tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, hay các hộ gia đình cần trang bị những thiết bị giúp phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, lắp đặt hệ thống chữa cháy, còi báo cháy, kiểm tra hệ thống điện, ổ cắm điện…

PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước ngày càng bình yên, giàu mạnh.

Bệnh viện tổ chức tập huấn PCCC cho viên chức, người lao động

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở y tế, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về an toàn PCCC tại đơn vị. Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác PCCC:

1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở và tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho nhân viên y tế. Nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động về Luật PCCC, nâng cao tinh thần cảnh giác, tạo sự chuyển biến mãnh mẽ trong công việc chấp hành luật và các quy định của Nhà nước về PCCC.

2. Tăng cường tự kiểm tra công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót tại đơn vị, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cháy nổ cao, các khoa/phòng có người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, khu vực tập trung nhiều tài sản, máy móc thiết bị y tế, lưu trữ tài liệu, hồ sơ bệnh án…; xây dựng phương án cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả với các tình huống cháy nổ có thể xảy ra.

3. Triển khai các biện pháp nhằm nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hệ thống điện), trang bị bổ sung đầy đủ các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ tại đơn vị theo đúng quy định của pháp luật về PCCC và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan.

Mỗi cán bộ, viên chức, người lao động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn luôn xác định PCCC và cứu nạn cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong công tác bảo đảm an toàn tại cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn với mục tiêu chính là đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Ý kiến bạn đọc