CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

KHẢO SÁT VỀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN BỊ RẮN CẮN TẠI BỆNH VIỆN ĐK TỈNH LẠNG SƠN

Ngày 28 / 11 / 2023
|
Tin tức

Trong 2 ngày, 27-28/11/2023, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Y – Dược Huế đã làm việc cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK), tìm hiểu về việc thu dung và điều trị bệnh nhân bị rắn cắn tại Lạng Sơn. Tiếp đoàn có bác sĩ Hoàng Mạnh Cương – Phó Giám đốc Bệnh viện cùng một số khoa, phòng liên quan.

Trường Đại học Y -Dược, Đại học Huế đang hợp tác với Viện Y học Nhiệt đới Bernhard Nocht, CHLB Đức thực hiện đề tài nghiên cứu: “Tần suất rắn cắn, các loài rắn, sựsẵn có huyết thanh kháng nọc và đánh giá thực hành quản lý ca bệnh rắn cắn ở Việt Nam: Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu bệnh viện”. Nghiên cứu thực hiện tại các Bệnh viện lớn trên toàn quốc từ tháng 9/2022-12/2023 để tìm hiểu quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân rắn cắn.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, diện tích rừng lớn nên loài rắn có điều kiện phát triển. Trong thời gian qua, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị rắn độc cắn, có những thời điểm có đến 4 – 5 trường hợp nhập viện do rắn cắn. Trong giai đoạn 2019 – 2023, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 297 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó, có những bệnh nhân bị các loài rắn độc cắn như rắn hổ, rắn lục, cạp nia…

Bác sĩ Hoàng Mạnh Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện tiếp đại diện trường Đại học Y - Dược Huế

Về nhân lực, cơ bản các bác sĩ đều đã được đào tạo về cấp cứu, xử trí, điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn tại Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc điều trị bệnh nhân bị rắn cắn còn gặp khá nhiều khó khăn, tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến cao do nhiều nguyên nhân: Bệnh viện chưa có huyết thanh kháng nọc độc, tâm lý người bệnh muốn chuyển tuyến,… Bên cạnh đó, do hiểu biết của người dân còn khá hạn chế về cách sơ cứu khi bị rắn cắn nên còn có trường hợp người dân bị rắn cắn tới Bệnh viện muộn dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. 

Tại buổi làm việc, nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát trực tiếp tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Những thông tin này sẽ mang đến những kết quả sát thực, phục vụ việc nghiên cứu khoa học. Qua đó, có ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế về phác đồ cũng như cung ứng các điều kiện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn.

Ý kiến bạn đọc