Vất vả, áp lực, hiểm nguy là những gì đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn phải đối mặt. Là những “chiến sĩ” trên tuyến đầu phòng dịch, bằng niềm tin và trách nhiệm của người thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã hy sinh niềm hạnh phúc riêng mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Hình ảnh người điều dưỡng đều đặn 3 bữa một ngày, mang đồ ăn đến từng phòng đã trở nên quen thuộc với những người bệnh đang thực hiện cách ly tại Bệnh viện. Không chỉ từng bữa ăn mà cả những vật dụng cá nhân phục vụ sinh hoạt của người bệnh cũng đều được các điều dưỡng chăm lo đầy đủ. Điều dưỡng Lương Thị Minh chia sẻ: “hàng ngày ngoài 3 bữa ăn chúng tôi mang đến từng phòng, nếu người bệnh có nhu cầu mua thêm thứ gì thì viết ra giấy, chị em chúng tôi lại thay phiên nhau đi mua bổ sung, có khi nửa đêm, người bệnh nhờ đi mua đồ dùng, chúng tôi cũng không từ chối. Nhiều người bệnh không có tiền, chị em điều dưỡng lại ứng tiền của mình mua đồ cho họ dùng trước”.
Để thường trực chăm sóc bệnh nhân tốt hơn và tránh các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, các bác sĩ, điều dưỡng tạm gác tình cảm cá nhân, sắp xếp việc gia đình, mang theo tư trang vào khu vực điều trị cách ly này đã hơn một tháng qua. Điều dưỡng Minh tâm sự: “Sau khi trực tết, tôi về nhà một lần, sau đó ở lại bệnh viện làm việc liên tục từ ngày 28/1/2020 đến nay. Các con tôi phải gửi về quê, mỗi lần gọi điện thoại về nói chuyện là con gái 3 tuổi của tôi lại khóc đòi mẹ, rồi cả mẹ cả con cùng khóc. Từ đấy tôi cũng không dám gọi về nhà, sợ lại không cầm được nước mắt. Tôi rất lo và nhớ con, nhưng nghĩ rằng nhiệm vụ lúc này là vô cùng quan trọng, đồng nghiệp làm được thì tôi cũng làm được, mình cố gắng làm tốt nhiệm vụ, dịch bệnh sớm kết thúc để sớm được về với gia đình”.
Hiện nay, có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng làm nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc sức khỏe người bệnh tại khu vực cách ly. Thường trực 24/24 giờ, thường xuyên tiếp xúc với những người có biểu hiện sốt, ho, có nguy cơ cao, các bác sĩ, điều dưỡng không tránh khỏi lo lắng, chỉ khi bệnh nhân có kết quả âm tính họ mới thở phào nhẹ nhõm. Công việc chuyên môn tuy không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần với các bác sĩ và điều dưỡng là yếu tố khó khăn nhất. Người bệnh cách ly thường tìm cách bỏ trốn, không hợp tác, thậm chí chửi mắng, xúc phạm nhân viên y tế; người nhà người bệnh còn gây áp lực, đe dọa, đòi nhân viên y tế thả người trong khu cách ly.
Bác sĩ Nguyễn Quang Lương - Phụ trách Khoa Truyền nhiễm chia sẻ: “Bên cạnh khó khăn do thiếu các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch thì chúng tôi còn phải chịu áp lực lớn về tinh thần. Một mặt vừa lo nhiễm bệnh, không dám về nhà, sợ lây cho người thân và cộng đồng, mặt khác lại chịu áp lực từ phía người bệnh và người nhà người nhà người bệnh. Từ khi số điện thoại của tôi đăng ký là đường dây nóng, mỗi ngày tôi phải tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại, vừa có người dân cần giải đáp về dịch bệnh, nhưng cũng có người nhà người bệnh đe dọa đòi thả người trong khu cách ly,… có những hôm vừa ăn cơm vừa trả lời điện thoại, nửa đêm cũng phải nghe những cuộc gọi đe dọa,…Tuy nhiên, với trọng trách được giao, chúng tôi luôn làm việc hết mình để điều trị cho bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe, đồng thời làm công tác tư tưởng, động viên người bệnh yên tâm ở lại cách ly theo quy định”.
Chị Lưu Hải Châu – Điều dưỡng Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: “Trực tiếp theo dõi, chăm sóc sức khỏe hằng ngày cho những người trong khu vực cách ly, vừa phải chăm sóc tốt cho người bệnh, tôi cũng vừa phải chú ý nắm bắt tâm tư của họ. Vào cách ly mỗi người mỗi tính cách và hoàn cảnh khác nhau nên phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ với họ và nói cho họ hiểu về các nguy cơ, diễn biến dịch bệnh; các quy định của pháp luật, các biện pháp phòng chống dịch bệnh,… để tuyên truyền cho họ hiểu và yên tâm ở lại cách ly điều trị. Có một số người bệnh hiểu được thì hợp tác tốt với nhân viên y tế, một số người bệnh phải mất nhiều thời gian động viên, tuyên truyền mới chịu hợp tác. Vẫn biết là khó khăn nhưng đây là trách nhiệm nên tôi cố gắng làm hết sức mình”.
Nhưng không phải ai cũng hiểu và cảm thông cho sự khó khăn, vất vả mà những “chiến sĩ áo trắng” đang phải đối mặt. Sự xa lánh, kỳ thị của một số người chưa hiểu rõ về dịch bệnh lại vô tình tạo nên sự mặc cảm, tự ti cho nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly. Bác sĩ Lương chia sẻ thêm: “Khi người bệnh trong đợt cách ly trước đều có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch bệnh Covid-19, các bệnh nhân được ra viện thì tôi cũng về thăm nhà. Thế nhưng gặp người quen, hàng xóm ai cũng xa lánh, không dám nói chuyện. Có người còn hỏi tôi, sao không ở luôn khu cách ly còn về làm gì, không may lại lây bệnh cho mọi người. Nhiều khi thấy buồn lắm nhưng lại tự động viên mình cố gắng để tránh lây bệnh cho người thân và cộng đồng”.
Đồng cảm với những khó khăn, vất vả của các bác sĩ, điều dưỡng, chị N.T.T, 29 tuổi ở Hậu Giang cho biết: “Thời gian cách ly điều trị tại Bệnh viện, tôi rất thương các bác sĩ và điều đưỡng đang làm việc ở đây, họ vất vả ngày đêm chăm lo cho chúng tôi giống như người thân vậy.Thiếu gì, cần gì chúng tôi cũng gọi, cũng nhờ các chị điều dưỡng. Bị cách ly thế này buồn lắm, nhưng mà được các anh chị ấy quan tâm, dộng viên cũng vơi bớt nỗi buồn. Thương các anh chị ấy vất vả nên tôi cũng cố gắng chấp hành tốt cũng là vì sức khỏe của bản thân và gia đình mình. Còn một ngày nữa là tôi được về nhà, tôi rất cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã chăm sóc cho tôi trong thời gian tôi ở Bệnh viện. Sự chu đáo, nhiệt tình của các anh chị ở đây khiến tôi không bao giờ quên được”.
Sẽ còn thật nhiều những khó khăn, vất vả bởi công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn cả một chặng đường. Lựa chọn gác lại những hạnh phúc thường ngày của bản thân để cống hiến vì trọng trách cao cả, người “chiến sĩ áo trắng” vẫn đang ngày đêm nỗ lực, quyết tâm cùng với cả tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.