CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

CHÂM CỨU ĐIỀU TRỊ MẤT NGỦ

Ngày 26 / 06 / 2023
|
Tin tức

Mất ngủ là căn bệnh khá phổ biến ở xã hội hiện đại. Tình trạng này kéo dài làm suy giảm chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Hiện nay, phương pháp châm cứu chữa mất ngủ được nhiều người lựu chọn để cải thiện tình trạng bệnh vì độ an toàn và hiệu quả đã được chứng minh qua các nghiên cứu.

Mất ngủ sẽ dễ bị mệt mỏi, uể oải, luôn trong trạng thái lờ đờ, không tỉnh táo. Người ngủ không đủ giấc, thường xuyên mất ngủ thì hệ miễn dịch cũng kém hơn so với người bình thường. Thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, đột quỵ dẫn đến tử vong; ngoài ra còn tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Bên cạnh đó, mất ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sắc đẹp cũng như chất lượng cuộc sống. Việc điều trị bằng thuốc Tây chỉ là giải pháp tạm thời. Thậm chí, tác dụng phụ của thuốc Tây lại ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người bệnh.

Hiện nay, Châm cứu điều trị mất ngủ đang là phương pháp chữa mất ngủ hiệu quả, an toàn và được nhiều người tin tưởng. Anh N.T.T (43 tuổi, địa chỉ: huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) bị khó ngủ từ lâu, thường trằn trọc từ 11-12 giờ đêm mới ngủ được, nhưng tới 2-3h sáng đã tỉnh giấc, không thể ngủ lại. Cả ngày không có cảm giác buồn ngủ, kèm theo là chứng đau đầu khiến anh luôn mệt mỏi. Vì không muốn phụ thuộc vào thuốc ngủ, nhờ người thân giới thiệu, anh tìm tới khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn để được tư vấn điều trị. Ban đầu anh chỉ muốn điều trị bằng xoa bóp bấm huyệt do cơ thể bị suy nhược vì mất ngủ kéo dài. Kết quả không như ý nên Anh được các Bác sĩ tư vấn thực hiện thêm liệu pháp châm cứu. Sau gần 2 liệu trình, và kết quả nhận được đã ngoài mong đợi. “Sau khi thực hiện Châm cứu, tôi hết đau đầu và có thể ngủ giấc dài từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Thật sự bất ngờ vì đã lâu không được ngủ sâu giấc như vậy”. Anh T. tâm sự.

Bác sĩ Phạm Duy Thìn (Trưởng khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) cho biết, số bệnh nhân đến khám và điều trị mất ngủ tại bệnh viện ngày càng tăng (chiếm 20% trên tổng số bệnh nhân đang nằm điều trị tại khoa), độ tuổi dần trẻ hoá (độ tuổi thường gặp là 35-45 tuổi). Từ nguyên nhân gây mất ngủ, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị khác nhau. Các bệnh nhân mất ngủ do bệnh lý sẽ được điều trị kết hợp với các chuyên khoa phù hợp.

Châm cứu là tác động trực tiếp vào các huyệt đạo cơ thể bằng kim châm, giúp tăng cường lưu thông máu, đả thông kinh mạch, kiện tỳ, dưỡng thận, có tác dụng điều trị toàn diện chứng mất ngủ. Châm cứu giúp giải phóng các chất thúc đẩy giấc ngủ, sản sinh các loại hormone có ích có tác dụng an thần. Khởi tạo cung phản xạ gây buồn ngủ, kích thích cơ thể, loại bỏ hoàn toàn triệu chứng chằn chọc, mất ngủ mỗi đêm.

Tại khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, phương pháp châm cứu được ứng dụng phổ biến cho các bệnh nhân mắc chứng mất ngủ kéo dài. Tuỳ từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, Bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng như sử dụng các phương pháp: Châm cứu, Xoa bóp bấm huyệt, Thuỷ châm, Ngâm thuốc Y học cổ truyền, uống thuốc Y học cổ truyền, Tập dưỡng sinh, Xông hơi, Điều trị bằng tia hồng ngoại và Tâm lý liệu pháp,… để phục hồi lại chức năng Tạng phủ trong cơ thể, khí huyết lưu thông, lập lại trạng thái cân bằng trong cơ thể. Do đó, mang lại hiệu quả cao trong điều trị, mang tới sự hài lòng cho người bệnh.

Để việc châm cứu đạt hiệu quả cao, người bệnh cũng cần tuân thủ một số lưu ý để đạt hiệu quả tối đa:

- Tuân thủ đúng lộ trình châm cứu Bác sĩ đã đề ra

- Không nên bỏ giữa chừng việc châm cứu chữa mất ngủ khi chưa đủ liệu trình

- Lựa chọn bệnh viện, cơ sở y tế và bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực châm cứu để điều trị

- Không tự ý châm cứu chữa mất ngủ tại nhà, vì nếu không châm cứu đúng kỹ thuật có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh dẫn đến hậu quả khó lường

- Kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng để hỗ trợ quá trình điều trị mất ngủ đạt hiệu quả hơn.

- Đối tượng không nên châm cứu: người bị tiểu đường, viêm ruột thừa, bệnh về dạ dày, thể trạng kém

Nhật Anh - Phòng Tài chính Kế toán

Ý kiến bạn đọc