Thời gian gần đây, kiến ba khoang xuất hiện tại một số khoa trong Bệnh viện, gây tổn thương trên da người bệnh và nhân viên y tế. Bệnh viện đã xử lý bằng biện pháp phun thuốc diệt côn trùng, tuy nhiên người bệnh cần bổ sung kiến thức để xử trí đúng cách khi phát hiện kiến ba khoang.
Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc, có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh. Kiến ba khoang có màu cam tối hay sậm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng. Đầu nhỏ, có hai râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước. Kiến ba khoang không đốt nhưng do trong dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một loại chất độc nên khi tiếp xúc với chất độc này, người bệnh sẽ bị rộp, phỏng da, viêm da.
Kiến ba khoang thường gây tổn thương ở các vùng da như cổ, mặt, lưng, tay, chân,... mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều. Sau 1 đến 3 ngày vùng tổn thương sẽ thành phỏng nước, phỏng mủ, lúc này cảm giác đau, rát càng tăng lên. Có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương… nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét, nhiễm trùng… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh nhân bị tổn thương da do kiến ba khoang
Cách xử trí khi phát hiện kiến ba khoang
- Nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ dùng, không nên dùng tay bắt, chà xát chúng mà nên thổi chúng ra xa, hoặc dùng găng tay, vật dụng để bắt chúng.
- Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn 70 độ.
- Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc.
- Báo ngay cho nhân viên y tế để xử trí và điều trị kịp thời.
Người bệnh cần lưu ý đóng kín cửa sổ và ngủ trong màn để tránh bị kiến ba khoang tấn công.