Ngày 13/6/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.V.T (59 tuổi, ở Thị trấn Cao Lộc) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn, ù tai, cứng gáy, trên da có ban xuất huyết hoại tử màu tím đen, đỏ tía vùng tay chân, mạn sườn. Bệnh nhân có thói quen ăn tiết canh thường xuyên từ nhiều năm nay. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. Các bác sĩ khoa Truyền nhiễm BVĐK đánh giá bệnh nhân trong tình trạng tiên lượng rất nặng, nếu vào viện chậm khoảng 1 ngày nữa thì bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng kháng sinh, chống phù não, bù dịch,… Sau 3 ngày vào viện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện.
Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó chủ yếu có lợn và người. Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh… Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời. Bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch.
Bệnh liên cầu lợn thường có biểu hiện ở 3 thể:
- Thể viêm màng não: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, ù tai, cứng cổ. Các biểu hiện thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh viêm màng não mủ. Nếu không điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng di chứng thần kinh.
- Thể nhiễm trùng huyết: Người bệnh có biểu hiện sốt cao, lưỡi bẩn, xuất huyết ban to màu đỏ hoặc màu xám đen. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm vì diễn tiến nhanh, nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng, nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.
- Thể kết hợp: cả thể viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Phòng tránh bệnh liên cầu lợn, các bác sĩ khuyến cáo người dân:
- Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ.
- Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống.
- Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến Bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.