CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

BỆNH THẬN MẠN TÍNH – PHÁT HIỆN SỚM ĐỂ ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ

Ngày 24 / 10 / 2023
|
Tin tức

Bệnh thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận không thể phục hồi hoàn toàn. Nếu không được điều trị, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cách duy nhất để duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Bệnh thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận. Tùy vào mức độ bệnh, chức năng thận có thể suy giảm một phần hoặc mất hoàn toàn chức năng, không thể đào thải chất độc hại và dịch thừa ra khỏi máu.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Trên thực tế, tỷ lệ này ngày có xu hướng ngày càng tăng.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK), theo thống kê sơ bộ, ước tính người bệnh đang được theo dõi và điều trị ngoại trú các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... số bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn 2 đến giai đoạn IV là 130 bệnh nhân (chưa kể các bệnh nhân điều trị đợt cấp bệnh thận mạn tạm ổn định thường xuyên tái khám tại Phòng khám Nội thận nhưng vẫn chưa được điều trị tối ưu cho người bệnh). Tuy nhiên số bệnh nhân này chưa thực sự được điều trị bệnh thận mạn một cách tối ưu nhất, dẫn đến số lượng bệnh nhân phải chuyển sang giai đoạn lọc máu còn khá nhiều.

Bệnh thận mạn nếu không điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải chạy thận nhân tạo - lọc máu để duy trì sự sống

Bệnh thận mạn có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, phải kể đến các nguyên nhân phổ biến sau:

  • Mắc bệnh lý ở cầu thận như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, viêm cầu thận do bệnh hệ thống…
  • Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Đây cũng là hai nguyên nhân phổ biến khiến thận bị tổn thương, dẫn đến suy thận mạn.
  • Mắc bệnh ống kẽ thận mạn do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn.
  • Nhiễm độc trong thời gian dài.
  • Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây tổn thương thận.
  • Mắc bệnh thận bẩm sinh, di truyền.
  • Mắc bệnh tự miễn như xơ cứng bì, lupus ban đỏ.
  • Giảm lưu lượng máu cung cấp cho thận do bất cứ nguyên nhân nào, ví dụ bệnh tắc mạch động mạch thận, suy tim sung huyết…
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thường xuyên ăn mặn, sử dụng thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…

Khi bị suy thận mạn, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng dưới đây:

  • Chán ăn, ăn không ngon, mất khẩu vị, buồn nôn, nôn
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đi tiểu bất thường, nhiều hơn hoặc ít hơn thông thường
  • Thường hay bị chuột rút cơ bắp, sưng phù tay, chân, mắt cá chân. Da khô, ngứa da.
  • Khó thở do tràn dịch phổi.
  • Tăng huyết áp, đau ngực do tràn dịch ở màng tim

Bệnh thận mạn là bệnh vô cùng nguy hiểm vì giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ ràng, khó nhận biết. Khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn nặng, chức năng thận gần như mất hoàn toàn, người bệnh phải thực hiện chạy thận nhân tạo cả đời hoặc ghép thận nếu muốn duy trì sự sống.

Phòng khám ngoại trú điều trị bệnh thận mạn tại BVĐK tỉnh

Hiện nay, BVĐK đã triển khai quản lý ngoại trú với bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn. Người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ, sẽ được thăm khám, làm xét nghiệm kiểm tra chức năng thận, siêu âm phát hiện tổn thương và cấp thuốc điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để hạn chế tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Bệnh thận mạn cần được điều trị sớm để giảm sự phát triển, dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận suốt đời hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Vì vậy, người bệnh nên chủ động thăm khám sức khỏe thường xuyên và khám ngay khi có biểu hiện bất thường.

Ý kiến bạn đọc