Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) nhiều trường hợp người dân tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh sau khi điều trị nội trú tại Bệnh viện, đến khám lại theo hẹn của bác sĩ nhưng không xin giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế tuyến dưới. Do vậy người bệnh không được hưởng quyền lợi Bảo hiểm y tế (BHYT) khi khám chữa bệnh (KCB).
Bác sĩ hẹn khám lại sau 01 tháng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 37/2014/TT-BYT về việc sử dụng giấy chuyển tuyến đối với người có thẻ BHYT:
a) Trường hợp người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi;
b) Trường hợp người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi;
c) Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký;
d) Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết năm dương lịch (ngày 31 tháng 12 năm đó). Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó, người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng hết đợt điều trị nội trú đó.
Như vậy, đối với bệnh nhân đã điều trị nội trú tại BVĐK, sau khi ra viện, được bác sĩ hẹn khám lại thì trong lần khám sau cần phải xin giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế tuyến dưới để được hưởng quyền lợi BHYT. Ví dụ: Bệnh nhân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã Tô Hiệu, sau khi điều trị nội trú tại BVĐK, người bệnh được bác sĩ hẹn khám lại sau 1 tháng. Khi đến khám lại, người bệnh phải xin giấy chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện Bình Gia và mang theo giấy chuyển tuyến, thẻ BHYT, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh để được hưởng BHYT theo quy định.