Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất điều chỉnh 88 mức giá, trong đó có: 6 giá khám bệnh, 42 giá giường, 40 giá dịch vụ kỹ thuật.
Vừa qua, ngày 30/5/2018, Bộ Y tế đã tổ chức họp xin ý kiến sửa đổi Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hiện nay, Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế là căn cứ pháp lý, quy định về giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mặc dù Thông tư đã được ban hành nhưng phần lớn chi phí trực tiếp lại vẫn tính theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-TC xây dựng từ năm 2011 nên nhiều chi phí đầu vào khám chữa bệnh không còn phù hợp.
Đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất điều chỉnh 88 mức giá (trong đó 6 giá khám bệnh theo 5 hạng BV và Trạm y tế xã, 42 giá ngày giường theo hạng bệnh viện và trạm y tế, 40 giá dịch vụ kỹ thuật chủ là các dịch vụ chẩn đoán như: Siêu âm, Xquang, MRI, CT scanner, PET-CT, Nội soi tai mũi họng, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng…
Trước mắt, do chưa thể điều chỉnh mức đóng BHYT nên để bảo đảm cân đối quỹ, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá của một số dịch vụ thông thường như khám bệnh, chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, giường...
Việc điều chỉnh được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tháng 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37; Giai đoạn 2 xây dựng định mức phải có hệ số. (Hệ số K dùng để tính mức giá định mức cho từng tuyến, hạng bệnh viện...)
Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm về giá. Các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.