Tôi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo đã chữa chạy ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và bệnh viện K Trung ương cách đây gần 4 năm. Mấy ngày gần đây, không may bụng tôi lại đau dữ dội nên lại phải vào nhờ các thầy thuốc của bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Đó là một đêm cuối xuân Mậu Tuất (tháng 4 năm 2018).
Khi được người nhà đưa vào viện, cơn đau đã làm tôi gần như lả đi trong một cảm giác thật là khó tả. Nhưng khi được các bác sỹ, y tá và điều dưỡng viên ở phòng khám đón tiếp niềm nở, nói năng nhẹ nhàng, hỏi han cặn kẽ, chăm sóc tận tình đã làm cho nỗi đau giảm bớt một phần!
Ngay trong đêm, tôi được đưa lên nằm điều trị tại khoa ung – bướu. Lần này vào đây thấy cơ sở vật chất của khoa và bệnh viện đã khang trang và hiện đại hơn hẳn bốn năm về trước. Tuy nhiên, do bệnh nhân rất đông nên sự quá tải là không tránh khỏi. Phần lớn giường bệnh phải xếp hai người, chỉ các bệnh nhân nặng mới được nằm riêng, nhưng giường bệnh vẫn phải bố trí cả ngoài hành lang mới đủ chỗ cho bệnh nhân. Ngay khi tôi vừa được đưa lên khoa, quang cảnh đi lại nhanh nhẹn, làm việc khẩn trương nhưng rất trật tự trong không gian khá tĩnh lặng nếu không có những tiếng rên của những người bệnh quá đau. Sự phối hợp nhịp nhàng từ bác sỹ đến các y tá, hộ lý, điều dưỡng viên và cả các thực tập sinh của trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn trong việc thăm khám, cấp thuốc, tiêm thuốc, giữ vệ sinh phòng bệnh đã làm cho người bệnh thật sự tin tưởng vào các thầy thuốc nơi này và chắc các khoa khác cũng vậy.
Sau khi được bác sỹ trực thăm khám và chỉ định thuốc uống, thuốc tiêm, chị điều dưỡng viên gần như túc trực bên các ca bệnh nặng như tôi và các bệnh nhân cùng phòng không hề ngơi nghỉ. Tiếng kêu rên tuy có kìm nén nhưng vẫn dội lên đâu đó trong phòng. Vừa tiêm thuốc cho người này lại gỡ ống truyền cho người khác vừa hết thuốc. Đôi chân chị thoăn thoắt lướt nhẹ từ trong phòng ra ngoài hành lang, lại sang phòng thuốc… để đáp ứng nhu cầu của mọi bệnh nhân về thuốc men, y cụ, thiết bị y tế phục vụ người bệnh theo y lệnh của bác sỹ… Tuy vất vả nhưng chị vẫn bình tĩnh, vui vẻ, miệng nói tay làm, vừa phục vụ bệnh nhân, vừa hướng dẫn người nhà bệnh nhân tự chăm sóc người bệnh, theo dõi máy móc, cho người bệnh uống thuốc theo đơn. Vậy mà không nghe tiếng phàn nàn, bực dọc hay nói sẵng với bệnh nhân. Và cũng không vì quá bận mà quên trách nhiệm sát sao với các ca bệnh nặng. Trong tiếng xe chuyên dụng chở thuốc men, y cụ, trang thiết bị đươc chị nhẹ nhàng đẩy khắp phòng qua từng giường bệnh… tôi thiếp đi một lúc. Khi thời gian phát huy tác dụng thuốc đã qua đi, cơn đau mới lại quặn lên làm tôi thức dậy, đã thấy bác sỹ trực đến bên giường bệnh thăm khám lại ngay, chỉ định dùng thuốc cho phù hợp. Điều dưỡng viên lập tức thực hiện y lệnh, thay thuốc theo tình hình diễn biến của bệnh lý. Không chỉ ca bệnh của tôi mà hầu hết các bệnh nhân khoa ung – bướu vẫn thường diễn ra như vậy.
2h15 phút sáng, do điều trị đúng hướng, dùng thuốc phù hợp, tình trạng bệnh của tôi đã có chuyển biến tích cực, cơn đau giảm đi rõ rệt. Tôi gượng dậy ra khỏi giường, men theo hành lang một đoạn, ngó qua phòng hành chính kiêm phòng trực của các thầy thuốc trực đêm đó, tôi sững sờ thấy các bác sỹ trực vẫn ngồi trước máy vi tính, sao chép lại các phác đồ điều trị và tiên lượng bệnh tật của từng người bệnh trong thời gian tiếp theo. Chị điều dưỡng viên cặm cụi ghi chép vào phiếu theo dõi kết quả điều trị của các bệnh nhân, kẹp vào từng tập hồ sơ bệnh án để ngay ngắn gần khắp mặt bàn.
Tôi thực sự xúc động, gõ cửa bước vào, vừa để báo cáo tình hình bệnh của tôi đã thuyên giảm và hỏi: “gần sáng rồi mà các chị vẫn chưa đi nghỉ sao?” Chị điều dưỡng viên ngước nhìn mái đầu bạc trắng của tôi, vội đáp lại từ tốn: “Thưa bác, có lẽ đêm nay chúng cháu sẽ thức trắng để hoàn thành nốt công việc của một ngày đêm trực ạ! Vừa theo dõi bệnh tình của các bác vừa ghi lại diễn biến các ca bệnh, các y lệnh được chỉ định, các phác đồ điều trị, số lượng và phân loại thuốc men đã dùng, còn ghi tất cả các loại thuốc dùng cho bệnh nhân theo số giường bệnh trong ngày hôm sau, báo cáo chi tiết diễn biễn của các bệnh nhân trong ngày và đêm trực để báo cáo trong buổi giao ban khoa sáng ngày mai nữa!”. Tôi bồi hồi đứng lặng trong niềm suy tư và cảm phục: các anh chị đã có một ngày đêm làm việc căng thẳng đầy bận rộn, vất vả, gồng mình trước áp lực công việc phục vụ người bệnh và thực hiện đầy đủ các quy chế của ngành y đã đề ra cho thầy thuốc từ bác sỹ đến điều dưỡng viên, hộ lý, y tá… trong một ngày đêm làm việc và cho cả ngày làm việc tiếp theo! Vậy mà họ vẫn cần mẫn hăng say làm việc không một tiếng phàn nàn kêu ca, không một lời gắt gỏng với người bệnh, còn nhẹ nhàng nhắc nhở bệnh nhân và người nhà rông nom người bệnh, giữ gìn vệ sinh, buồng bệnh gọn gàng, ngăn nắp không một chút gì tỏ ra ngại khó sợ khổ hay lạnh nhạt thờ ơ với bệnh nhân.
Vậy mà theo tôi được biết, khoa ung – bướu bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn chỉ có vẻn vẹn 10 người từ lãnh đạo đến nhân viên, từ bác sỹ đến hộ lý và 19 giường bệnh nhưng thường xuyên đón nhận trên 30 bệnh nhân. Mà bệnh nhân ung thư thì thường phát hiện muộn và ở giai đoạn cuối nên rất nặng. Hôm sau hỏi lại tôi mới rõ chế độ trực ở khoa này ban đêm hoặc thứ bảy, chủ nhật, các bác sỹ trực không chỉ chịu trách nhiệm theo dõi giám sát và điều trị cho một khoa của mình và còn chịu trách nhiệm cả ba khoa liên đới. Một điều dưỡng viên phục vụ gần bốn mươi bệnh nhân mà phần lớn đã gần đất xa trời. Có thể nói họ bận bịu suốt thời gian làm việc. Ăn cơm muộn hoặc lỡ bữa là chuyện thường tình. Hết giờ làm nhưng chưa xong việc, nán lại cũng thường xuyên. Có chị lỡ giờ đón con nhỏ ở lớp mẫu giáo cũng là điều dễ gặp… Vậy mà không một tiếng kêu ca, không một lời than vãn. Thật đáng cảm phục! Đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Lương y như từ mẫu”. Đây đúng là một chuyển biến mạnh mẽ và vượt bậc của bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn mà khoa ung – bướu là đại diện. Một điều đáng mừng là cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giờ đây, khoa ung – bướu bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn đã có thể sử dụng hóa chất để trị liệu cho người bệnh, do đó bênh nhân ung thư không cần phải gửi lên tuyến trên. (Trừ các trường hợp đặc biệt).
Để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, nhà nước đang thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế. Tôi cứ day dứt mãi một điều: ở một nơi công việc mang tính đặc thù như bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn này và nhất là khoa ung bướu mà tôi đang điều trị thì biên chế thật sự là còn quá mỏng so với áp lực mà các thầy thuốc ở đây đang đảm nhận, nhất là ở đây từ bác sỹ đến y tá, điều dưỡng viên đều là chị em phụ nữ. Liệu các chị em khoa có chịu nổi áp lực này mãi không? Được biết khoa này được thành lập chưa lâu song số người mắc bệnh ung thư ngày một nhiều và theo thời gian còn tăng lên nhiều nữa. Tôi thiết nghĩ lãnh đạo bệnh viện cần báo cáo với Đảng, Chính quyền, Sở và Bộ Y tế về thực trạng này, để giải quyết thật hài hòa vấn đề biên chế sao cho phù hợp với công tác phục vụ người bệnh, cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình của các thầy thuốc để họ có sức phục vụ lâu dài vì sự nghiệp đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Những tấm gương về tinh thần phục vụ tận tâm của đội ngũ thầy thuốc khoa ung – bướu nói riêng và bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, khiến tôi vô cùng cảm phục và tin tưởng. Tinh thần phục vụ hết mình đó đã giúp chúng tôi vững vàng trong chiến đấu chống trọi với căn bệnh nan y, sống lạc quan và mạnh mẽ hơn để chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo này.
Trong niềm xúc động dâng trào, cảm phục sâu sắc nhất, tôi ghi lại những dòng này để thể hiện lòng biết ơn đối với tập thể thầy thuốc khoa ung bướu và bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn!
Nguyễn Đắc Đại
(viết tại Khoa Ung – bướu Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn khi được điều trị ở đây trong những ngày cả nước chào mừng Kỷ niệm 43 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2018.