Rối loạn tiểu tiện thường gặp ở người mắc các bệnh liên quan đến hệ tiết niệu và người cao tuổi; gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và sức khỏe. Hiểu biết về rối loạn tiểu tiện giúp phòng ngừa tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Rối loạn tiểu tiện là gì?
Rối loạn tiểu tiện là một hội chứng tiết niệu do rối loạn vận động của cơ thắt bàng quang và niệu đạo, biểu hiện qua sự mất một phần hay hoàn toàn khả năng kiểm soát cơ thắt ở cổ bàng quang, niệu đạo có kèm theo hoặc không các triệu chứng: Đau buốt khi đi tiểu, bất thường về màu sắc nước tiểu…
Rối loạn tiểu tiện gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt
Nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiểu tiện, nhưng thường gặp là các nguyên nhân sau:
- Do bệnh lý:
+ Phì đại tuyến tiền liệt đối với nam giới (tuổi trên 50) với các biểu hiện tiểu tiện khó, tiểu không hết bãi, tia nước tiểu yếu. Do tuyến tiền liệt phì đại chèn ép làm hẹp niệu đạo, nước tiểu tồn dư gây kích thích bàng quang mót tiểu nhiều lần cả ngày và đêm.
+ Viêm đường tiết niệu (viêm bàng quang): Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu, nên khi bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến kích thích đi tiểu liên tục, bên cạnh đi tiểu tiện nhiều còn có các biểu hiện đau bụng dưới, tiểu gắt buốt, sót, tiểu lắt nhắt, khó chịu thường tái phát nếu không được điều trị triệt để.
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện
+ Sỏi tiết niêu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo): Biểu hiện đa dạng trong đó biểu hiện là chứng tiểu đêm mất ngủ kèm theo là tiểu khó, tiểu đục, rát buốt, đau, mỏi lưng… cả ban ngày và ban đêm.
+ Suy thận mạn: Suy thận (độ 2, 3) do giảm chức năng cô đặc nước tiểu, gây triệu chứng tiểu đêm nhiều lần (2 lần trở lên). Biểu hiện phù, tiểu tiện nhiều, xanh xao, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
+ Đái tháo đường: Biểu hiện bệnh tiểu đường là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, sụt cân. Nếu có dấu hiệu như vậy cần kiểm tra ngay đường máu.
- Do chức năng:
+ Chế độ ăn uống: Do thói quen uống nhiều nước vào buổi tối (uống nước canh, rượu, bia, cà phê trà… ) tăng bài tiết nước tiểu, gây đi tiểu đêm.
+ Dùng các thuốc lợi tiểu (điểu trị bệnh tăng huyết áp, suy tim, xơ gan, suy thận).
+ Yếu tố tâm lý (do căng thẳng, lo âu…): tiểu tiện nhiều lần nhưng khi xét nghiệm nước tiểu bình thường.
+ Do mang thai: Do mang thai khi thai to chèn ép bàng quang, do các nội tiết tố từ nhau thai tiết ra gây tăng số lần đi tiểu.
+ Do lớn tuổi làm giảm chức năng cô đặc nước tiểu của thận (suy thận tuổi già), rối loạn thần kinh điều khiển bàng quang.
Phòng ngừa chứng tiểu tiện liên tục
- Khi mắc chứng tiểu tiện liên tục, cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện để có thể tìm ra nguyên nhân. Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc như lợi tiểu, an thần... thì cần xin ý kiến bác sĩ xem có nên giảm liều hoặc ngừng thuốc hoặc điều chỉnh giờ uống.
Tiểu đêm liên tục gây phiền toái trong cuộc sống
- Đối với người tiểu tiện không tự chủ do không nhịn được khi chưa kịp vào nhà vệ sinh thì mỗi khi buồn tiểu : cố gắng nhịn khoảng 5 phút rồi hãy đi để bàng quang quen dần cho đến khi có thể chủ động đi tiểu được. Ngoài ra, cần vệ sinh bộ phận tiết niệu ngoài sạch hàng ngày, nhất là nữ giới, để tránh viêm đường tiết niệu.
- Luyện tập cơ thể thường xuyên chọn các phương pháp phù hợp. Có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ động vật; tăng cường ăn rau, trái cây để tránh béo phì và tạo cho việc tiêu hóa tốt.
Bác sĩ Hoàng Tiến Ninh