CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Bệnh hẹp bao quy đầu ở trẻ nam

Ngày 01 / 08 / 2017
|
Y học thường thức

Hẹp bao quy đầu là một bệnh thường gặp ở trẻ nam. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng thường tiếp nhận và và điều trị các trường hợp chít hẹp bao quy đầu.

Bao quy đầu là một lớp da mỏng, đàn hồi, bao bọc bên ngoài dương vật. Thông thường khi trẻ nam mới sinh ra sẽ có hiện tượng dính bao quy đầu tự nhiên (bao quy đầu dính với đầu dương vật) nhưng khi trẻ lớn lên khoảng từ 3-5 tuổi thì lớp da bên trong bao quy đầu và đầu dương vật có sự tách rời, giúp cho bao quy đầu dễ dàng tuột xuống để lộ đầu dương vật ra ngoài khi lộn kéo bao quy đầu về phía sau. Tuy nhiên, nếu sau 5 tuổi mà bao quy đầu của trẻ vẫn không kéo xuống để lộ qui đầu được là bị hẹp bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu gây ra rất nhiều phiền toái. Từ việc khó vệ sinh, dương vật phát triển không bình thường; đến việc yếu sinh lý, xuất tinh sớm và là nguyên nhân gây nhiều bệnh viêm nhiễm khác, đặc biệt có thể gây ra vô sinh ở nam giới hoặc ung thư dương vật. Vì vậy hẹp bao quy đầu nên chữa trị càng sớm càng tốt.

Cách nhận biết bệnh hẹp bao quy đầu

Bao quy đầu dính liền hoặc bị chít hẹp ở đầu dương vật. Không thể hoặc khó khăn khi kéo lên tụt xuống theo chiều dài dương vật. Một số trẻ miệng bao qui đầu chỉ là một lỗ nhỏ như đầu tăm.

Khi trẻ bị hẹp bao quy đầu có dấu hiệu đi tiểu khó, tiểu đau và phải rặn mạnh, tia nước tiểu nhỏ. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm nhiễm dương vật hoặc viêm đường tiết niệu do nước tiểu không ra hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to. Đầu dương vật sưng đau, nề đỏ.

Hẹp toàn bộ và Bán hẹp bao quy đầu

Phương pháp điều trị

- Điều trị bảo tồn: Phần lớn các trường hợp phát hiện sớm bao quy đầu bị hẹp có thể được nong rộng trong vòng 1-2 tháng thông qua các bài tập theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Phương pháp này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương cấu trúc của da quy đầu. Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tốt giữa cha mẹ và trẻ, và đặc biệt là tuân thủ kỹ thuật, tránh gây biến chứng tạo sẹo sau này.

- Trường hợp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả, bác sĩ có thể tiến hành tiểu phẫu nong bao quy đầu hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu.

Phòng tránh chít hẹp bao quy đầu cho trẻ

- Đưa trẻ đi khám ngày khi phát hiện hẹp.

- Tuyệt đối không được tự ý nong bao quy đầu hoặc bôi thuốc trị hẹp bao quy đầu cho trẻ khi chưa có chỉ định, hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa, việc này có thể làm cho bao quy đầu của trẻ bị rách, bị tổn thương, đau đớn, dị ứng, viêm nhiễm, nhiễm trùng và dính, hẹp hơn.

Các trường hợp hẹp hoàn toàn để lâu có nguy cơ dẫn tới ung thư dương vật. Đa phần nam giới hẹp hoàn toàn trên 30 tuổi trở lên đều đã bị xơ nên khó bóc tách hết. Nhiều nam giới còn e ngại hoặc có nhiều người lại không biết là mình bị hẹp. Vì vậy cần giáo dục sức khỏe giới tính cho đối tượng nam giới, nhất là trẻ vị thành niên để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Phạm Lan Anh - Phòng CTXH

                                                                      

 

Ý kiến bạn đọc