CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG GIỚI ĐỂ XÂY DỰNG MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH VÀ KIÊN CƯỜNG HƠN

Ngày 15 / 11 / 2022
|
Tin tức
Việt Nam đánh giá cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc bảo vệ an ninh và phát triển đất nước.

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách phát triển

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, phụ nữ và vai trò của phụ nữ đã trở thành mối quan tâm của Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhận thức được giá trị và vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc bảo vệ an ninh và phát triển đất nước, Việt Nam thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về Chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh và các nghị quyết liên quan khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tại các phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 145 (IPU 145), Đại hội đồng đã nghe hơn 160 lượt phát biểu. Các ý kiến cho rằng ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới của các cuộc khủng hoảng, làm gia tăng những bất bình đẳng hiện tại, trong đó có bất bình đẳng giới. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến các tác động tiêu cực, trong đó có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Khủng hoảng kinh tế tiếp sau đó đã tác động đến phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Khủng hoảng khí hậu cũng có yếu tố giới rõ nét. 80% những người phải di dời chỗ ở do biến đổi khí hậu là phụ nữ, làm cho trẻ em gái ít có cơ hội đến trường và phụ nữ khó có cơ hội tìm sinh kế bền vững. Họ cũng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn do bị lạm dụng, nạn buôn người và hôn nhân cưỡng ép.

Những cuộc khủng hoảng này đe dọa đẩy lùi các tiến bộ đã đạt được trong những thập kỷ gần đây trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và mục tiêu phát triển bền vững, không bỏ ai lại phía sau.

Các đại biểu tham dự đều khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới, nhất là bình đẳng giới trong quá trình quyết định chính sách sẽ giúp đảm bảo phát triển bền vững, môi trường hòa bình, tầm nhìn toàn diện đối với mọi lĩnh vực; đồng thời nhất trí cho rằng việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ giúp giảm tác động của các cuộc khủng hoảng đối với xã hội nói chung. Nghị viện cần phải giải quyết các vấn đề bất bình đẳng cả trên pháp luật và thực tiễn, giúp cho xã hội trở nên bình đẳng và tự cường hơn. Các nghị viện cũng phải tự chuyển đổi để trở thành cơ quan lập pháp tôn trọng và đại diện cho bình đẳng giới.

Các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và thực tiễn của nước mình trong việc thực hiện bình đẳng giới; nêu ra một số biện pháp chính như cần có tỷ lệ nam và nữ cân bằng trong nghị viện, bao gồm các vị trí lãnh đạo; thiết lập các khuôn khổ pháp lý và chính sách cho bình đẳng giới; đưa ra các cơ chế để lồng ghép vấn đề giới trong các hoạt động của nghị viện; có thái độ không khoan nhượng đối với sự phân biệt giới tính và thúc đẩy sự cân bằng công việc và cuộc sống…

Các đại biểu ghi nhận mặc dù đã có những tiến bộ trong bình đẳng giới, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần làm. Các nghị viện cần giữ vai trò dẫn dắt để xây dựng xã hội ngày càng tự cường, hòa bình và thịnh vượng hơn trong bối cảnh của các cuộc khủng hoảng đa tầng và ngày càng khắc nghiệt hơn.

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Bình đẳng giới và các nghị viện có sự bình đẳng về giới là động lực để thay đổi vì một thế giới hòa bình và tự cường hơn," Trưởng đoàn Việt Nam- ông Vũ Hải Hà (Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) khẳng định bình đẳng giới là quyền cơ bản của con người, là mục tiêu của các quốc gia và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội.

Trưởng đoàn Việt Nam chia sẻ Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Quốc hội Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh việc xây dựng pháp luật liên quan đến vấn đề giới nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; rà soát, loại bỏ những nội dung, quy định mang định kiến giới. Quốc hội cũng chú trọng thực hiện các quy định về thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trong quá trình xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội cũng đã quan tâm xem xét đến tác động giới của những quyết sách này, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, nhất là trong việc phân bổ ngân sách. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Một số đề xuất của Việt Nam

Báo cáo thường niên về đề tài “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton International phát hành cho biết số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung trên toàn cầu đã đạt 31% dù cho đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới.

Trong lĩnh vực chính trị-đối ngoại, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Phụ nữ đã, đang tham gia tích cực và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị cũng như trong các cơ quan, tổ chức làm đối ngoại, đặc biệt là đã tham gia rất xuất sắc, rất hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với tỷ lệ cao hơn mục tiêu mà Liên hợp quốc đề ra; góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân các nước trên thế giới.

Nhằm góp phần đảm bảo vấn đề bình đẳng giới để xây dựng một thế giới hòa bình và kiên cường hơn, tại phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 145, Đoàn Việt Nam đã nêu một số đề xuất như tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật quốc gia và quốc tế tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới; triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp và hành pháp, cũng như trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách; thúc đẩy hợp tác giữa IPU, nghị viện các nước thành viên với các tổ chức Liên hợp quốc, các diễn đàn quốc tế về phụ nữ nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ.

Ngày 15/10, Đại hội đồng IPU thông qua các nghị quyết, báo cáo của các Ủy ban Thường trực IPU và Tuyên bố Kigali, trong đó đề ra các giải pháp nhằm giải quyết các bất bình đẳng giới mang tính cơ cấu gồm đạt được sự ngang bằng trong việc ra quyết định chính trị, bao gồm việc sử dụng hạn ngạch giới tính trong bầu cử; đảm bảo việc làm luật, thực thi pháp luật và quyết định ngân sách đáp ứng yếu tố về giới trong tất cả mọi lĩnh vực chính sách; quan tâm tới nhóm đối tượng yếu thế trong quá trình lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách; chấm dứt phân biệt dựa trên giới tính, bạo lực và các hành vi tổn hại khác, đảm bảo các quyền và sự công bằng cho tất cả phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy bình đẳng trong việc chia sẻ trách nhiệm giữa nam giới và nữ giới trong các công việc gia đình . Các Nghị viện cũng cam kết sẽ nỗ lực và có các hành động cụ thể để thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới trong vòng 10 năm tới.

Ý kiến bạn đọc