CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Tắc mạch ối – Biến chứng sản khoa nguy hiểm

Ngày 05 / 06 / 2017
|
Y học thường thức

Sản phụ vào chờ đẻ, sức khỏe hoàn toàn bình thường, trong khi chuyển dạ đột ngột diễn biến nặng nề, ngừng thở ngừng tim, tử vong nhanh chóng hoặc phải mổ cấp cứu, cần truyền rất nhiều máu. Đó là bệnh cảnh thường thấy ở bệnh nhân tắc mạch ối.

Tắc mạch ối là gì?

Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa hiếm gặp, tỉ lệ tử vong cao, rất khó dự đoán và khó dự phòng. Căn nguyên của bệnh là do nước ối, tế bào thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn mẹ gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.

Hiện nay, vẫn chưa biết một cách chính xác cơ chế bệnh sinh của tắc mạch ối. Tuy nhiên, có 3 hoàn cảnh làm cho nước ối dễ đi vào tuần hoàn người mẹ là: vỡ ối, vỡ tĩnh mạch tử cung hay tĩnh mạch cổ tử cung, áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực buồng tĩnh mạch (xảy ra trong cơn co tử cung).

Các giai đoạn diễn tiến

Nước ối và tế bào thai đi vào tuần hoàn người mẹ sau đó diễn tiến qua hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Co thắt động mạch phổi với tăng áp mạch phổi và tăng áp lực trong thất phải gây thiếu oxy, gây tổn thương mao mạch phổi và tim, suy tim phải và hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Thường bệnh nhân tử vong trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2: Khoảng 40% số trường hợp sống sót qua giai đoạn 1 sẽ chuyển sang giai đoạn 2 đặc trưng bằng chảy máu dữ dội khắp nơi do đờ tử cung và do đông máu nội mạc rải rác.

Các yếu tố nguy cơ tắc mạch ối:

  • Mẹ lớn tuổi (trên 35 tuổi).
  • Con dạ nguy cơ cao hơn con so
  • Đa ối, đa thai, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật.
  • Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung

Thời điểm tắc mạch ối thay đổi rất khác nhau tùy trường hợp: 88% trường hợp tắc mạch ối xảy ra khi có màng ối bị ổn thương, 70% xảy ra trong chuyển dạ, 19% xảy ra trong khi mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay chưa chuyển dạ.

Biển hiện, triệu chứng

Triệu chứng lâm sảng: xảy ra trong lúc chuyển dạ hoặc mổ đẻ, sản phụ đột ngột xuất hiện

  • Lúc đầu rét run, rung mình, buồn nôn và nôn
  • Đau ngực, trống ngực
  • Khó thở: thường thở nhanh nông, mặt tím tái
  • Sản phụ bồn chồn, lo lắng, hoảng hốt và sợ sệt.

Sau đó, sản phụ chuyển sang trạng thái co giật cứng với các biểu hiện:

  • Mất ý thức..
  • Phù phổi cấp hậu quả gây suy ho hấp nặng
  • Rối loạn đông máu nặng.

Hậu quả cuối cùng sản phụ tử vong trong vòng 2 đến 3 giờ.

Giải phẫu bệnh giúp xác định chẩn đoán: tìm thấy tế bào của thai nhi và các thành phần nước ối tại động mạch phổi mẹ, tuy nhiên xét nghiệm này chỉ mang ý nghĩa chẩn đoán hồi cứu, diễn biến tắc mạch ối xảy ra rất nhanh và rầm rộ, hơn nữa không dễ dàng đặt được catheter động mạch phổi.

Sản phụ cần khám thai theo định kỳ để sớm phát hiện những bất thường

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh lý tắc mạch ối

Chẩn đoán xác định tắc mạch ối phải thỏa mãn 4 tiêu chuẩn sau:

  • Suy tuần hoàn cấp
  • Biểu hiện suy hô hấp cấp
  • Xuất hiện bệnh lý đông máu và chảy máu nặng trong vòng 30 phút sau đẻ mà không tìm được các nguyên nhân khác.
  • Giải phẫu bệnh: tìm thấy tế bào của thai nhi và các thành phần nước ối tại động mạch phổi mẹ

Nguyên tắc xử trí

  • Đảm bảo thông khí
  • Đảm bảo oxy máu
  • Hỗ trợ tuần hoàn
  • Điều chỉnh các rối loạn đông máu
  • Xem xét mổ lấy thai để cứu con.

Tắc mạch ối là một tai biến sản khoa không thể dự báo được, không thể dự phòng được và trong hầu hết các trường hợp là không thể điều trị được. Hiện nay, vẫn chưa có một can thiệp nào có thể cải thiện tiên lượng của sản phụ bị tắc mạch ối. Do vậy, trong thời kỳ mang thai, sản phụ cần khám thai định kỳ để sớm phát hiện những bất thường. 

Bác sĩ Như Thùy Vân - Khoa Phụ sản

Ý kiến bạn đọc