Tập thể dục thế thao ( TDTT) mang lại lợi ích to lớn trong việc nâng cao, tăng cường sức khỏe, phòng chống các bệnh tật cho người tập. Bên cạnh những lợi ích của TDTT mang lại cũng có những rủi ro, nguy hiểm. Người tập có thể bị chấn thương và tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Vừa qua Khoa Răng hàm mặt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận trường hợp Lê Thị M (Học sinh trường THPT chuyên Chu Văn An) với chẩn đoán “ Vết thương môi trên, môi dưới – Gãy nhóm răng của dưới”. Được biết, học sinh Lê Thị M khi đang học nhảy xa trong giờ thể dục, không may bị ngã đập mặt vào bồn hoa. Em M được nhà trường đưa vào viện và được bác sỹ xử trí, khâu vết thương.
Em M bị tổn thương môi và gãy nhóm răng cửa dưới
Việc tập luyện TDTT mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, người tập luyện cần lưu ý để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ngoài chấn thương vùng hàm mặt như học sinh M, tập luyện TDTT cũng có thể gây nên một số chấn thương khác như:
- Bong gân: Hiện tượng dây chằng, bao khớp bao quanh khớp bị giãn, rách.
- Đau căng cơ: Hiện tượng gân hoặc cơ bị kéo giãn, vặn xoắn hay bị rách.
- Trật khớp: Khi 2 đầu xương của một khớp bị trật rời nhau.
- Gẫy xương: Gãy xương có thể rõ rệt, tức thời do lực tác động mạnh, hoặc có thể gãy xương do mệt lâu ngày, khó nhận ra do lực tác động nhỏ, lập đi lập lại hay gặp ở bàn chân và chi dưới.
- Đứt dây chằng: Dây chằng nối hai đầu xương của khớp bị đứt, làm khớp bị lỏng lẻo hoặc trật ra.
- Đứt gân: Gân là thành phần của bắp cơ nối vào đầu xương vùng gần khớp bị đứt.
- Một số trường hợp bị chấn thương nặng hay đa chấn thương như: Chấn thương hộp sọ, chấn thương lồng ngực, chấn thương phần bụng: như chấn thương các tạng tim, phổi, gan, tụy…
Những chấn thương đa phần đều do trang thiết bị thể thao không đạt yêu cầu, không gian tập luyện không đảm bảo, người tập luyện không thực hiện đúng kỹ thuật và không phù hợp với thể lực. Để phòng tránh tai nạn và chấn thương trong TDTT cần:
- Cần khởi động trước khi tập. Tập luyện phải hợp lý, thường xuyên, liên tục, tăng dần lượng vận động, tăng dần độ khó của các động tác.
- Tổ chức tập luyện và thi đấu phải có mặt của Huấn luyện viên hoặc giáo viên TDTT.
- Tăng cường cơ sở vật chất và những điều kiện đảm bảo về trang thiết bị, sân bãi và dụng cụ thi đấu.
- Tăng cường công tác y tế thường trực và đảm bảo an toàn trong tập luyện và thi đấu thể thao. Hướng dẫn cho người tập chế độ dinh dưỡng hợp lý và các giải pháp hồi phục khác khi tham gia luyện tập và thi đấu.
- Không ngừng nâng cao chất lượng sơ cứu, cấp cứu và điều trị các chấn thương và tai nạn trong hoạt động TDTT.
Phạm Lan Anh - Tổ Công tác xã hội