CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Bệnh chửa trứng - tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm

Ngày 20 / 04 / 2017
|
Y học thường thức

Vừa qua, khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân Triệu Thị M (35 tuổi, Địa chỉ: Khuổi Khín , Khánh Long, Tràng Định,Lạng Sơn). Do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, đường xá xa xôi nên bệnh nhân M mặc dù tắc kinh bảy tháng nhưng không đi khám, không siêu âm. Đến ngày 15/4/2017, bệnh nhân đau bụng, ra máu âm đạo. Sau thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân được chẩn đoán “ Sót rau sau sảy thai trứng/ Thiếu máu nặng”.

Hiện tại, bệnh nhân M vẫn đang được điều trị tại khoa Phụ sản

Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch. Do đó thai nhi sẽ không phát triển và sẽ bị sảy. Nguyên nhân gây chửa trứng đến nay vẫn chưa rõ ràng, người ta chỉ thấy các tế bào nuôi ở rau thai bị loạn sản và tăng sinh quá mức tạo thành các túi chứa dịch. Bệnh thường gặp ở phụ nữ dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi; những người có thai nhiều lần; những người có mức sống thấp, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu hụt vitamin A, acid folic trong khẩu phần ăn.

Biểu hiện của bệnh chửa trứng

Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai giống như những trường hợp mang thai bình thường khác, trước hết là tắt kinh, sau đó là nghén. Tuy nhiên những người chửa trứng thường nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, nôn ra mật xanh, mật vàng, người gầy sút. Một số trường hợp còn bị phù và cao huyết áp. Bên cạnh nghén nặng, thai phụ còn bị ra máu âm đạo (hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ), máu đen hoặc đỏ, dai dẳng, ít một, có thể tự cầm trong một thời gian ngắn. Do mất máu nên thai phụ mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt. Một triệu chứng điển hình nữa là tử cung của người chửa trứng to quá mức, không tương xứng với tuổi thai, có trường hợp chửa trứng mới 2-3 tháng mà tử cung đã to như người có thai bình thường 5-6 tháng. Nhưng khi sờ, nắn bụng thai phụ thì thấy mềm và không thấy khối thai, nếu siêu âm thì không thấy âm vang thai mà chỉ thấy hình ảnh của các túi dịch. Mặt khác nhiều người bệnh còn bị hồi hộp, run tay, vã mồ hôi do hormon thai nghén tăng cao. Ngoài ra, trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm như sảy thai trứng gây bung huyết nặng dẫn  đến thiếu máu nặng (trường hợp bệnh nhân M đã phải truyền 6 đơn vị máu) hoặc thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung.

Bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch

Một biến chứng ác tính nguy hiểm nữa của chửa trứng là ung thư tế bào nuôi (khoản 10% - 30% các ca chửa trứng). Ung thư nguyên bào nuôi thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử chảy máu và di căn xa đến các phủ tạng khác của cơ thể, làm việc điều trị rất khó khăn. Các biểu hiện của chửa trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung... Do đó để chẩn đoán chính xác bệnh phải khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp X quang bụng.

Phòng và điều trị bệnh chửa trứng

Khi phát hiện chửa trứng cần phải nạo hút thai trứng sớm để phòng sảy thai gây băng huyết. Sau 2 - 3 ngày lại phải nạo lại lần thứ hai và sau nạo phải dùng kháng sinh để phòng nhiểm trùng. Riêng đối với những phụ nữ tên 40 tuổi hoặc đã có đủ con không muốn có con nữa thì có thể áp dụng biện pháp cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo trứng trước. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành bệnh ung thư tế bào nuôi. Một điểm cần lưu ý nữa là sau khi nạo thai trứng thì bệnh nhân phải được theo dõi ngoại trú và khám định kỳ trong thời gian ít nhất là hai năm theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của chửa trứng. Trong thời gian theo dõi, bệnh nhân không được có thai, chỉ sau hai năm theo dõi mà không thấy có biến chứng gì thì mới nên có thai lại. Và lần có thai sau thời hạn hai năm này cũng phải được khám và theo dõi chặt chẽ.  Để phòng tránh chửa trứng ngoài vệc quản lý thai nghén phụ nữ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, sinh đẻ có kế hoạch, không sinh quá gần nhau. 

Phạm Lan Anh - Tổ Công tác xã hội

Ý kiến bạn đọc