CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Hoạt động của bệnh viện

ÁP XE GAN CẦN PHÁT HIỆN, ĐIỀU TRỊ SỚM TRÁNH CÁC BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Thời gian gần đây, Khoa Ngoại Tiêu hoá Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận điều trị một số trường hợp bệnh nhân vào viện do áp xe gan. Đây là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng toàn thân, vỡ áp xe gây viêm phúc mạc, suy gan, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân C.M.T (67 tuổi, ở TP. Lạng Sơn) và bệnh nhân N.V.L (50 tuổi, ở huyện Bình Gia) vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau nhiều vùng hạ sườn phải, ấn kẽ sườn đau. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số bạch cầu tăng, có hình ảnh nhiễm trùng, ổ áp xe ở gan lớn đang có nguy cơ vỡ gây sốc nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành dẫn lưu ổ áp xe dưới hướng dẫn của siêu âm và trên nền máy chụp mạch số hoá xoá nền DSA. Ngay sau dẫn lưu, các triệu chứng trên bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, hết sốt và hết đau, sức khoẻ ổn định, tiếp tục được điều trị kháng sinh.

Bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hoá kiểm tra dẫn lưu trên bệnh nhân áp xe gan

Áp xe gan là tình trạng tổn thương tại gan, lá gan bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng, khi đó gan sẽ có biểu hiện sưng mủ và hình thành các lỗ nhỏ. Áp xe gan do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng hai nhóm tác nhân chính thường gặp là do ký sinh trùng (amíp và sán lá gan) và vi khuẩn. Hầu hết những tình trạng này xảy ra trong điều kiện vệ sinh kém.

Áp xe gan là một bệnh nguy hiểm bởi các triệu chứng của bệnh thường không xuất hiện ngay nhưng khi xuất hiện sẽ diễn ra ồ ạt với các biểu hiện rất nặng, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời thì sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những triệu chứng nguy hiểm của bệnh bao gồm:

- Sốt cao rét run: sốt có thể lên đến 39 – 40 độ C trong giai đoạn cấp tính nhưng sau đó có thể sốt nhẹ và kéo dài nhiều ngày, kèm theo sốt là đau bụng.

- Đau tức vùng gan: đau chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải, nếu ổ áp-xe to cấp tính thì đau có thể lan rộng cả thượng vị hoặc khắp bụng.

- Gan to đau: Do gan bị sưng to nên làm người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng ở vùng dưới sườn bên phải. Cũng do gan to ra đẩy cơ hoành lên cao nên bệnh nhân cũng có hiện tượng khó thở.

- Ấn kẽ sườn đau: khi sờ, nắn vào vùng gan (ở kẽ liên sườn 11-12) bệnh nhân thấy đau tăng lên.

Thông thường, bệnh nhân áp xe gan nếu phát hiện sớm sẽ được chọc hút mủ, nằm viện trong khoảng 7 - 15 ngày, dùng thuốc kháng sinh để chống tái phát. Tuy nhiên, có những bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch do triệu chứng không điển hình. Trong trường hợp này ổ áp xe có thể vỡ ra gây nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc vỡ ra rồi chảy vào màng phổi hoặc phổi, màng tim hoặc gây viêm phúc mạc (viêm màng bụng) cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Trước đây, các trường hợp bệnh nhân áp xe gan thường có chỉ định mổ mở, gây nhiều đau đớn và quá trình hồi phục lâu hơn so với phương pháp dẫn lưu xâm lấn tối thiểu hiện nay. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiêu hoá với trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, cùng với trang thiết bị hiện đại đáp ứng tốt công tác điều trị bệnh áp xe gan cho bệnh nhân bằng phương pháp dẫn lưu, giúp nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí điều trị cho người bệnh.

Để phòng bệnh áp xe gan, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh..., không ăn rau sống chưa được rửa sạch. Không uống nước chưa được đun sôi như nước lã ở ao, hồ, suối... Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ áp xe gan cần đến ngay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn cao để được phát hiện, xử trí, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

BS. Nguyễn Đình Trọng Nghĩa - Khoa Ngoại Tiêu hoá

 

Video nổi bật

Hệ thống nhận diện thương hiệu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn